Anh: tỷ giá hối đoái quá cao khiến các mặt hàng xuất khẩu trở nên
đắt đỏ và thiếu tính cạnh tranh. Giữa tháng Mười Hai, khi đồng
franc chạm ngưỡng 25 franc ăn một đô-la, hai đồng nghiệp của
Moreau, với quyết tâm sắt đá hòng cứu nền kinh tế Pháp khỏi sa
vào tình trạng đình trệ như ở Anh, đã gia tăng sức ép để bắt Ngân
hàng ra tay can thiệp, chặn đứng đà tăng của đồng franc. Thậm chí
có lúc, họ còn đe dọa sẽ đồng loạt từ chức nếu Moreau không chịu
thuyết phục thủ tướng cùng bắt tay vào hành động.
Mặc dù Quesnay và Rist cung cấp sức mạnh tri thức cho Ngân
hàng, song Moreau mới là chiến lược gia chính trị. Ông nhận ra
rằng sự lựa chọn tỷ giá hối đoái sẽ quyết định hoàn toàn việc gánh
nặng tài chính của chiến tranh sẽ được phân bổ ra sao. Chính
Maynard Keynes là người đầu tiên điểm mặt chỉ tên chiều kích
chính trị của chính sách tỷ giá hối đoái trong Tiểu luận từ năm 1923:
“Mức giá của đồng franc sẽ được quy định, không phải bởi hoạt động
đầu cơ hay cán cân thương mại, hay thậm chí là kết cục của cuộc
phiêu lưu nơi thung lũng Ruhr, mà chính bởi tỷ lệ thu nhập mà người
đóng thuế Pháp chịu bỏ ra nhằm trang trải những món tiền mà
các chủ nợ người Pháp yêu sách.” Ngân hàng Trung ương Pháp càng
để đồng franc tăng giá, thì giá trị món nợ của chính phủ càng phình
to hơn, chủ nợ Pháp càng hả hê, còn người đóng thuế càng khốn
đốn. Như Moreau đã chỉ ra, ấn định tỷ giá hối đoái là vấn đề
cân bằng “những sự hy sinh được đòi hỏi ở mỗi tầng lớp xã hội khác
nhau trong dân chúng.”
Mỗi quốc gia ở châu Âu trỗi dậy từ tro tàn chiến tranh đều đã
phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Nước Anh đã chọn một
thái cực: áp đặt phần lớn gánh nặng lên nhóm người nộp thuế và
bảo vệ nhóm người tiết kiệm. Nước Đức lại chọn thái cực đối nghịch
hoàn toàn: bằng một chính sách lạm phát gần như bệnh hoạn,
quốc gia này đã thổi bay núi nợ nần nội địa của mình, đổi lại, cái giá