Charles Rist và Pierre Quesnay, lại tình cờ là hai trong số những
người ít ỏi sở hữu năng lực hiếm có này.
Rist, khi ấy đã năm mươi hai tuổi, đã cống hiến cả đời mình
cho công cuộc nghiên cứu của một học giả, ông nổi tiếng nhất với bộ
sách kinh điển Lịch sử các học thuyết kinh tế từ thời kỳ trọng nông
cho tới ngày nay (History of Economic Doctrines from the
Physiocrats to the Present Age), chấp bút cùng đồng nghiệp của
mình, giáo sư Charles Gide, cũng chính là chú của ông. Theo lời
Moreau, Rist gần như là “nô lệ của những cuốn sách ông đã viết và
những bài thuyết giảng mà ông đã thực hiện.” Năm 1924, ông đã lọt
vào mắt xanh của các quan chức ngành tài chính nhờ một chuyên
khảo ngắn song có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng có tựa đề Giảm
phát trong thực tiễn (Deflation in Practice). Cũng như Tiểu luận về
cải cách tiền tệ của Keynes, tác phẩm này lập luận rằng những nỗ
lực nhằm kéo giá cả giảm xuống sẽ gây tốn kém khủng khiếp đối
với nền kinh tế và cả xã hội. Khi lần đầu được mời tới làm việc
cho Ngân hàng Trung ương Pháp, ông đã tỏ ra rất miễn cưỡng,
không muốn rời bỏ môi trường học thuật vốn rất dễ chịu với mình.
Ông chỉ bị thuyết phục khi Caillaux, trong cuộc phỏng vấn đầu
tiên giữa hai người, đã kêu lên, “Ông không định hoài phí cả phần
đời còn lại của mình để làm một nhà sư phạm đấy chứ!”
Pierre Quesnay mới ba mươi mốt tuổi, là học trò cũ của Rist; sau
khi giải ngũ năm 1919, ông tham gia vào ban tài chính của Liên minh
các Quốc gia (League of Nations). Moreau thâu nạp ông làm chánh
văn phòng cho mình và bổ nhiệm ông vào vị trí giám đốc ban nghiên
cứu kinh tế của Ngân hàng một tháng sau đó.
Suốt mùa thu, dòng tiền đổ vào nước Pháp biến thành một cơn
lũ, và khi cơn thủy triều tiền của này cứ nâng đồng franc lên cao
mãi, xuyên thủng ngưỡng 30 franc ăn một đô-la, Rist và Quesnay
bắt đầu lo ngại rằng nước Pháp có thể sẽ lặp lại sai lầm của nước