tăng giá hơn 40%. Sự hồi phục đáng nể này dường như đã khẳng
định giả thuyết rằng trong những giai đoạn cuối của quá trình
trượt giá, đồng franc đã mất hết mối liên kết với hiện thực kinh
tế và bị các nhà đầu cơ đua nhau dìm giá.
Đồng franc có thể tìm thấy nguồn an ủi vô bờ trong cả cá tính
lẫn tư cách chính trị của Poincaré. Là chính trị gia kém lôi cuốn
nhất trên toàn nước Pháp – lạnh lùng, xa cách, và khó gần – song
ông lại bù đắp được tất cả những nhược điểm đó bằng lòng đam
mê công việc phi thường, trí nhớ cực kỳ chuẩn xác, và sự chuyên chú
đối với từng chi tiết dù nhỏ nhặt nhất. Trên hết thảy, trong cái
thời đại mà các chính trị gia người Pháp dường như chỉ giữ được một ý
niệm mơ hồ nhất về ranh giới giữa nghĩa vụ công cộng và lợi ích cá
nhân, thì ông lại tuyệt đối trung thực. Ông luôn bảo lưu một thái độ
hồ nghi quê kệch đối với tất cả cư dân Paris thành thị, đặc biệt là
giới chức ngành ngân hàng. Những nhà đầu tư người Pháp bình
thường – chủ một cửa tiệm nhỏ trên Picardy; anh nông dân cần kiệm
vùng Auvergne; ông thầy thuốc làng từ Normandy; và dĩ nhiên, cả
người thợ đúc kính nơi quê nhà Lorraine của Poincaré nữa – đều tìm
thấy ở ông bóng dáng của chính mình và cảm thấy hết sức yên dạ
khi có ông ở đó để coi sóc các vấn đề tài chính cho mình.
Khi đồng franc vùn vụt lội ngược dòng trên tỷ giá quy đổi, giá cả
của hàng hóa nhập khẩu và chỉ số chi phí sinh hoạt bắt đầu giảm.
Mùa hè năm ấy, tất cả các mặt báo đều nhan nhản những tin tức
xoay quanh chuyện đến và đi của các nhà tư bản tài chính người Mỹ
tại châu Âu. Ngày 24 tháng Bảy, Bộ trưởng Ngân khố Andrew
Mellon đặt chân tới Paris. Trong tuần đầu tiên của tháng Tám,
người ta đã phát hiện ra Strong đang ở The Hague để hội kiến với
Schacht. Ngày 20 tháng Tám, Strong và Mellon xuất đầu lộ diện tại
Evian cùng Parker Gilbert, nhân viên toàn quyền chịu trách nhiệm
về vấn đề bồi thường chiến phí của Đức. Các vị chức trách tài