nhân khiến cho các thống đốc không chịu đưa tay ra giúp đỡ nước
Pháp.
NGÀY 21 THÁNG BẢY, Raymond Poincaré được đề nghị đứng ra
xây dựng một chính phủ mới. Ở thời điểm đó, ông là chính trị gia dày
dạn kinh nghiệm và tiếng tăm nhất tại Pháp, ông đã lăn lộn trên
chính trường suốt bốn chục năm có lẻ - hai lần giữ chức thủ tướng,
từ năm 1912 - 1913 và 1922 - 1924, và đã tại vị tổng thống của nền
cộng hòa trong những năm tháng đầy sóng gió khủng hoảng cùng
chiến tranh nhọc nhằn của giai đoạn 1913 – 20. Mặc dù không
chính thức đứng trong hàng ngũ của một đảng phái nào, song ông là
kiểu người luôn đứng ở trung tâm, và xét trên nhiều phương diện,
ông vượt hẳn lên trên những cuộc đấu đá, xô xát chính trị. Và mặc
dù ông chính là vị kiến trúc sư trưởng của quyết định tai hại và đắt
đỏ vào năm 1923 là chiếm đóng thung lũng Ruhr, sự kiện đã khiến
nước Pháp rơi vào thế cô lập và trở nên yếu đuối thấy rõ, song
ông cũng có công lớn trong việc xúc tiến Kế hoạch Dawes; và lập
trường chống Đức của ông đã mềm dịu đi rất nhiều sau ba năm
vừa qua. Trong vòng hai ngày, ông tuyên bố thành lập một chính
phủ thống nhất quốc gia, trong đó quy tụ toàn bộ các phe phái
chính trị, trừ nhóm Xã hội, cùng sự góp mặt của sáu nguyên thủ
tướng.
Những sự kiện xảy ra trong mấy ngày tiếp đó đã minh họa uy
quyền vô song mà các yếu tố tâm lý đã tác động lên thị trường
tiền tệ. Vào ngày Poincaré trở thành thủ tướng, đồng franc chạm
ngưỡng 50 franc ăn một đô-la. Song thậm chí trước cả khi ông kịp có
cơ hội phác thảo một chương trình tài chính hay áp dụng bất kỳ biện
pháp tính thuế mới nào, thì riêng bản thân sự hiện diện của ông
dường như đã đủ trấn an các nhà đầu tư. Chỉ trong khoảng thời
gian ngắn ngủi có hai ngày, đồng franc đã bật lên mức 43 franc ăn
một đô-la và đến tuần tiếp theo, nó đã trở lại mức 35 franc, tức là