xây dựng mới như Coral Gables và Hollywood-by-the-Sea hăm hở
mọc lên chỉ sau một đêm. Từ Palm Beach cho tới Miami và trên
khắp các thành phố thuộc Gulf Coast, giá cả vọt lên chóng mặt. Một
dải đất trên Palm Beach có giá khoảng hai trăm năm mươi ngàn đô-
la trước cơn sốt thì đến đầu năm 1925 đã được định giá ở mức
xấp xỉ 5 triệu đô-la; những lô đất trống có thời có thể được sang
tên đổi chủ chỉ với vài ngàn đô-la nay bị hét giá tới 50.000 đô-la.
Nhìn người khác giàu lên quả chẳng phải chuyện thích thú gì,
nhất là khi họ kiếm tiền rừng bạc biển chỉ sau có một đêm mà
chẳng mất chút mồ hôi nước mắt nào. Do vậy, tất cả những hoạt
động điên rồ nói trên - thị trường chứng khoán ăn nên làm ra,
những vấn đề mới mẻ, những lời phóng đại rùm beng về một thời
đại mới, chuyện mua đi bán lại bất động sản vùng Florida - tất yếu
châm ngòi cho vô số điệp khúc ngày đêm kêu nài FED phải làm gì
đó để chặn đứng “cơn cuồng đầu cơ,” cụm từ đó về sau đã bị nhai
đi nhai lại liên tục trong suốt mấy năm tiếp theo, đến mức thành
ra cực kỳ sáo mòn và vô nghĩa.
Dẫn đầu trào lưu công kích này chính là ngài Adolph Miller hay
lý sự. Thái độ thù ghét ông dành cho đợt tăng giá trên thị trường
chứng khoán cũng như những luận điểm của ông dựa trên cơ sở một
số quan niệm rất sai lầm. Một trong những niềm tin lệch lạc đó là
thị trường chứng khoán tăng mạnh sẽ “hút” hết tiền của từ các khu
vực còn lại của nền kinh tế. Điều đó hoàn toàn ngớ ngẩn, đơn giản
vì với mỗi người mua cổ phiếu thì lại có một người bán và bất kỳ
khoản tiền nào đổ vào thị trường chứng khoán sẽ lại lập tức chảy ra
ngoài.
Mùa thu năm 1925, Miller lại được phen hốt hoảng khi đọc được
các số liệu về các khoản vay cho các nhà môi giới. Đây là những
khoản vay do ngân hàng cung cấp cho các nhà môi giới, họ dùng
tiền này để tài trợ cho kho chứng khoán của chính mình hoặc cho