kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân mình. Ông nhắc nhở bạn, bằng
“những lời lẽ gay gắt nhất,” rằng kho dự trữ tiền bảng của
Moreau chính là “lưỡi gươm Damocles” đang treo lơ lửng trên đầu
Ngân hàng Trung ương Anh quốc, và Norman quả thật là “ngu ngốc
không thể tưởng nổi” vì đã gây lộn với người Pháp trong khi ông
“hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Ngân hàng Trung ương Pháp.” Họ
chia tay nhau trong cảnh hai bên cùng bừng bừng lửa giận. Mặc dù
mùa hè đó Strong đã viết một lá thư để làm lành, song ông vẫn
không thôi càu nhàu với các bạn hữu khác về mưu đồ bệnh hoạn
của Norman hòng thâu tóm quyền lực tại châu Âu.
Nỗi đau từ cuộc cãi vã với Strong và tình trạng căng thẳng với
người Pháp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thần kinh của
Norman. Khi các sức ép ngày càng tăng thêm, ông lại càng thu mình
lại nhiều hơn, từ chối không hé nửa lời với bất kỳ đồng nghiệp
nào. Đến một lúc, một số giám đốc cao cấp của Ngân hàng đã
quá chán nản tới mức đã cùng nhau phát động một chiến dịch bất
hợp tác bằng cách giữ im lặng hoàn toàn trong mọi cuộc họp tuần
của Ủy ban Bộ Tài chính, nhóm chịu trách nhiệm hoạch định chính
sách của triều đình. Mọi người đều nhận thấy sự thay đổi tâm
trạng của thống đốc ngày càng thất thường và dữ dội hơn. “Vừa
mới đây, ông còn vui vẻ và tươi tỉnh, rồi ngay sau đó, chẳng vì lý do
gì rõ rệt, bản mặt ông đã nặng trịch như đá đeo,” một đồng nghiệp
nhớ lại. Ông nổi cơn lôi đình với tất cả các nhân viên - trong một
lần cả giận mất khôn, ông còn ném cả lọ mực vào Hầu tước Ernest
Harvey, trưởng ban kiểm soát - và những cơn “suy nhược thần kinh”
dường như xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Đến giữa tháng
Hai năm 1928, ông đổ bệnh và phải nằm liệt giường trong vài ngày.
Mấy tuần sau, tình cảnh này lại tái diễn. Giữa tháng Ba, ông buộc
phải nghỉ phép ba tuần để đi dưỡng bệnh ở Madeira. Vài tuần sau
cuộc gặp gỡ đáng buồn ở Cherbourg, ông rời nhiệm sở để sang Nam