xếp như vậy để đổi lấy việc Pháp sẽ rời khỏi vùng Rhine và họ thì
giành lại được quyền độc lập về kinh tế.
Trong khi đó, Schacht lại tin tưởng rằng các ngân hàng Mỹ đã đổ
quá nhiều tiền của họ vào Đức – cho vay 1,5 tỷ đô-la trong tổng số
nợ 3 tỷ đô-la của nước này – do đó họ sẽ đóng vai trò vận động hành
lang một cách hiệu quả và sẽ phải tạo được sức ép chính trị đủ mạnh
để buộc các chính phủ đang cho Đức vay tiền phải giảm mức chi trả
nợ của Đức xuống còn 250 triệu đô-la một năm. Schacht, bấy giờ đã
từ bỏ đảng Dân chủ Đức do chính ông tham gia thành lập và bắt
đầu nghiêng về phía những thành phần chống chính phủ của
DNVP, đảng Nhân dân Dân tộc Đức. Đôi lúc ông đã huênh hoang với
những người đồng chí mới của mình rằng ông ta có thể đạt được
thỏa thuận về mức trả nợ dưới 200 triệu đô-la một năm. Gilbert đã
cố gắng hết sức để kéo người Đức ra khỏi niềm lạc quan thái quá
đó, và ngược lại họ cũng cố thuyết phục ông ta rằng nước Đức
đang “ở trên miệng núi lửa” và sẽ không thể nào trả nổi khoản tiền
500 triệu đô-la một năm. Nhưng cuối cùng cả hai bên chẳng ai thèm
quan tâm đến điều mà bên kia nói cả.
Vì thế mà khi các đoàn đàm phán tới Paris vào tháng Hai năm
1929 để tham dự một cuộc họp cấp cao nữa về bồi thường chiến
tranh, chẳng đại biểu tham dự hội nghị nào nhận ra hố sâu khác biệt
ngăn cách giữa các bên. Như một dự báo không lành, khi hội nghị
bắt đầu, một đợt lạnh khủng khiếp tràn qua khắp châu Âu, kéo
theo nó nhiệt độ thấp kỷ lục trong suốt cả thế kỷ. Nhiệt độ tại
Berlin hạ xuống thấp nhất trong vòng hai trăm năm; tại Silesia là
âm 49 độ, thấp nhất kể từ khi người ta bắt đầu biết ghi lại nhiệt
độ hàng ngày vào năm 1690. Toàn bộ châu Âu bị đóng băng. Khắp
lục địa, đường sắt bị tê liệt, tàu thủy nằm đông cứng ở cả biển Baltic
lẫn sông Danube, rất nhiều vùng quê, đặc biệt là ở Đông Âu, người
ta phải đối mặt với nạn đói thật sự. Báo chí đăng những bài báo gợi