mặt của mười ngàn người, nội dung là một lễ đăng quang giả trong đó
“một hình nộm của Gilbert được phong là vua mới của Đức với vương
miện là chiếc mũ chóp cao và quyền trượng là cây kéo cắt cuống
vé.” Thế nhưng Schacht, người luôn biết cách hòa hợp với những
nhân vật có quyền lực, lại là một trong số ít các quan chức Đức có
thái độ thân thiện với Gilbert.
Ngoài sức mạnh đến từ quyền quyết định việc chuyển đổi các
khoản chi trả nợ, vũ khí sắc bén nhất của Gilbert là báo cáo hằng
năm của ông ta. Được coi là đánh giá khách quan nhất về tình hình
và các chính sách kinh tế của nước Đức, nó luôn luôn được các chủ
nợ của nước này đặc biệt quan tâm và chờ đợi. Dù rất nhiều vị Bộ
trưởng Tài chính Đức đã từng vô cùng phẫn nộ khi bị tay người Mỹ
này quở trách vì bội chi ngân sách, không một chính trị gia Đức nào
dám thách thức ông bởi ảnh hưởng to lớn mà ông có được tại nước
ngoài.
Trong bản báo cáo được đưa ra vào tháng Mười Hai năm 1927,
Gilbert tuyên bố rằng đã đến lúc nước Đức phải chịu trách nhiệm
kiểm soát số phận nền kinh tế của chính mình mà “không cần sự
giám sát của nước ngoài cũng như điều khoản ưu tiên chuyển nợ
(transfer protection clause – ưu tiên việc chi trả các khoản nợ thương
mại trước các khoản bồi thường chiến phí trong trường hợp Đức rơi
vào tình trạng khủng hoảng).” Nước Đức cần được biết một cách
chính xác và dứt khoát họ nợ bao nhiêu tiền và phải chi trả chúng
trong vòng bao lâu. Hơn nữa, điều khoản về ưu tiên chuyển nợ
trong kế hoạch Dawes tuy tỏ ra rất hiệu quả vào năm 1924 trong
việc tái khởi động các khoản vay nước ngoài nhưng ngược lại, nó cũng
khuyến khích các nhà băng nước ngoài dễ dãi hơn trong các quyết
định cho vay; cho phép nước Đức phớt lờ hậu quả của việc tích lũy quá
nhiều nợ “và không đặt việc thực hiện những cải cách cần thiết
phục vụ cho lợi ích thực sự của nó làm ưu tiên hàng đầu.” Mặc dù ý