cho người ta nhớ đến thời kỳ Trung cổ, hàng đàn sói đói tấn công
những làng quê hẻo lánh ở Albania và Romania hay một đoàn người
Gyp-si được tìm thấy chết đông cứng đâu đó ở Ba Lan.
Phái đoàn Đức đến bằng tàu từ Berlin vào ngày 8 tháng Hai,
mang theo hai mươi bảy thùng tài liệu. Paris đã thoát được cái lạnh
khủng khiếp – nhiệt độ chỉ là âm 10 độ, nhưng chính quyền thành
phố vẫn cho xếp các lò than dọc các con phố. Bất chấp giá lạnh,
ai cũng thấy rằng thủ đô của nước Pháp đang phát triển bùng nổ.
Nền kinh tế quốc gia, được tiếp sức bởi xuất khẩu tăng cao, dự
trữ nhiều và các dòng vốn lớn ồ ạt chảy vào, đang đạt mức tăng
trưởng 9%, đưa Pháp trở thành nước có nền kinh tế phát triển
nhanh nhất trong số các nước lớn. Trong vòng hai năm gần nhất
trước đó, thị trường chứng khoán Pháp hoạt động hiệu quả nhất thế
giới, vượt xa cả Phố Wall – tăng trưởng 150% vào cuối năm 1926,
trong khi chỉ số Dow chỉ tăng có 100%. Thật là một thời điểm thuận
lợi cho niềm kiêu hãnh, sự cao ngạo, và cả những bê bối - thế mới
đúng là Paris. Khi các đoàn đại biểu có mặt, cả thành phố vẫn đang
bàn tán xôn xao về scandal của Hanau.
Marthe Hanau là một phụ nữ bốn mươi hai tuổi đã ly dị. Năm
1925 bà thành lập tờ chứng khoán lá cải La Gazette du France. Đến
năm 1928, số lượng độc giả đã tăng lên đến vài trăm ngàn. Lợi dụng
sự cả tin và thói tham lam của những người ở tỉnh lẻ cả đời chỉ biết
tích lũy tiền bạc ‒ các cha xứ, lính tráng về hưu, giáo viên phổ
thông hay những người bán hàng – bà thổi giá cổ phiếu của những
công ty chỉ tồn tại trên giấy. Khi bị chính quyền để ý, Hanau, bấy
giờ đã được mệnh danh là “Đại phu nhân Catherine của ngành tài
chính”, đã bịt miệng các nhà điều tra bằng cách hối lộ một số
nhân vật chính trị. Tổng giám mục Paris cũng là một trong các khách
hàng của bà. Nhưng cuối cùng thói quen tiêu xài quá hoang phí đã
giết chết Hanau – bà thường đi lại với hai chiếc li-mu-zin hộ tống