phố London có thể bị tàn phá, các ngân hàng thương mại rơi vào
trạng thái hoảng loạn và đua nhau rút vàng khỏi tài khoản của mình
tại Ngân hàng Trung ương Anh quốc. Từ mức 140 triệu đô-la vào thứ
Tư, ngày 29 tháng Bảy, kho dự trữ vàng thỏi của Ngân hàng này đã
giảm xuống còn chưa đến 50 triệu đô-la vào thứ Bảy, ngày 01 tháng
Tám. Ngân hàng Trung ương Anh quốc, trong một động thái nhằm
thu hút thêm tiền gửi và hãm lại đà sụt giảm của kho dự trữ vàng, đã
tuyên bố tăng lãi suất lên một mức kỷ lục chưa từng có trước đó là
10%.
Trong khi đó, trên phạm vi châu lục, cuộc khủng hoảng tiếp tục
đà leo thang không gì ngăn cản nổi. Nước Đức trả đũa hành động tổng
động viên quân sự của Nga bằng một lệnh tổng động viên của chính
mình vào thứ Sáu, ngày 31 tháng Bảy, và phát đi một tối hậu thư
trong đó yêu cầu Pháp phải tuyên bố quan điểm trung lập và
chuyển giao hai thành trì là Toul và Verdun để bảo chứng cho thái độ
hữu hảo của mình. Ngày tiếp theo, Đức tuyên chiến với Nga, và
Pháp cũng tự phát lệnh tổng động viên trên toàn quốc. Đến Chủ
Nhật, tình hình đã ngã ngũ, rằng chỉ trong vài giờ nữa, nước Pháp,
nhằm giữ cam kết liên minh với Nga, cũng sẽ tuyên chiến với Đức.
Cuối tuần đó, Norman đánh điện cho các cộng sự của mình tại
Brown Brothers ở New York thông báo, “Tiền đồ của châu Âu đang
rất u ám.”
Chỉ sau mấy ngày cuối tuần, tâm trạng của toàn thể nước Anh
xoay chuyển một trăm tám mươi độ trước cuộc chiến tranh vừa bùng
nổ. Khi đó đang là Ngày Ngân hàng đóng cửa của tháng Tám, hàng
ngàn con người hừng hực khí thế rời khỏi nhà, bị ánh nắng rực rỡ
kéo ra đường, họ hò nhau đổ về trung tâm London trên con đường từ
quảng trường Trafalgar dọc theo Whitehall tới điện Buckingham,
đám đông lấn đường của tất cả ô tô và xe buýt, hăng hái hò reo và