Khi Joseph Marcus qua đời, ngân hàng được tiếp quản bởi con
trai ông là Bernard Marcus, một nhà buôn tài ba nhưng rất hay phô
trương với sở thích tiêu xài xa hoa, vượt xa so với bố mình. Ví dụ khi
Bernard sang châu Âu, ông mang theo ba mươi kiện hành lý và luôn
luôn đòi phải được ở trong phòng sang trọng nhất trên tàu. Hai năm
tiếp sau đó, ông mở rộng ngân hàng của mình thông qua một loạt vụ
sáp nhập nên đến năm 1929, tài sản của nó đã lên tới 250 triệu đô-
la.
Marcus tiến hành hàng loạt các hoạt động bị coi là mờ ám thậm
chí ngay cả khi xem xét chúng dựa trên những quy định còn rất lỏng
lẻo thời bấy giờ. Ngân hàng dành 16 triệu đô-la, một phần ba vốn,
cho các nhân viên và người nhà của họ vay để mua cổ phiếu của
chính nó. Ngân hàng phình ra hơn gấp đôi sau hai năm và để cung
cấp vốn cho sự tăng trưởng quá nóng này, Marcus cho phát hành
một số lượng lớn cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu và cam kết sẽ
mua lại với giá gốc là 200 đô-la. Khi giá bắt đầu trượt dốc vào
mùa xuân và mùa hè năm 1929, rất nhiều nhà đầu tư đã buộc
Marcus phải thực hiện lời hứa. Để gom toàn bộ số cổ phiếu trên thị
trường, ông tạo ra hàng loạt công ty con để mua lại vốn chủ sở hữu
bằng tiền vay từ chính ngân hàng. Marcus đã sử dụng hiệu ứng
dùng tiền gửi của chính khách để nâng giá cổ phiếu của ngân hàng
mình.
Trong chính sách cho vay, ngân hàng đánh cược lớn vào giá trị của
bất động sản tại New York. Một nửa trong danh mục cho vay của nó,
nghĩa là gấp đôi so với khoản mục tương tự của các ngân hàng khác,
là dành để cho các công ty bất động sản vay và điều này đương
nhiên lại được được che giấu bằng cách chuyển tiền thông qua các
công ty con. Khi rắc rối ập đến, ngân hàng đang vướng vào hai dự
án lớn ở công viên Trung tâm West: 5 triệu đô-la cho Beresfold, một
cao ốc hai mươi tầng ở đường Tám mươi hai với khoảng 170 căn hộ,