trong đó ông nói tới 95% – về sự khôi phục lại vị trí của nước Đức
trên thế giới, về sự cần thiết đưa sáu triệu rưỡi người trở lại làm
việc và quan trọng là làm thế nào để thực hiện những điều trên mà
không cần đến sự can thiệp của nước ngoài. Hitler quả có tài ăn nói
lưu loát, không cần đến giọng văn thống thiết kiểu tuyên truyền
nhưng vẫn rất khuấy động lòng người. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh
của vị chủ nhà băng đã bị làm mê hoặc.
ARNOLD TOYNBEE, trong báo cáo rất có uy tín của mình về
các sự kiện trong năm với tư cách đại diện cho Học viện Hoàng gia các
vấn đề quốc tế đã so sánh các sự kiện của mùa hè năm 1931 với
mùa hè năm 1914. Cả hai đều bắt đầu bởi những sự kiện nhỏ diễn
ra ở những nơi xa xôi của thế giới nhưng lại làm dấy lên những đợt
sóng lớn vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát và làm sụp đổ toàn bộ trật tự
thế giới. Năm 1914 là vụ ám sát người thừa kế hợp pháp của nước
Áo, hoàng tử Franz Ferdinand tại Sarajevo. Năm 1931 là sự sụp đổ của
Credit Anstalt, ngân hàng lớn nhất và lâu đời nhất nước Áo.
Thứ Sáu ngày mùng Tám tháng Năm, ngân hàng Credit Anstalt,
có trụ sở tại Vienna, được thành lập từ năm 1855 bởi Rothschilds, với
tổng tài sản lên đến 250 triệu đô-la và nắm giữ khoảng 50% các
khoản tiền gửi của Áo, đã thông báo với chính phủ rằng họ buộc
phải ghi sổ khoản lỗ 20 triệu đô-la vào tài khoản của mình, làm tiêu
tan hết số tài sản lớn hiện có. Không chỉ là ngân hàng lớn nhất
nước Áo, nó còn là ngân hàng có tiếng nhất - hội đồng thống
đốc được chủ trì bởi Baron Louis de Rothschild, một người trong
hoàng tộc tại Vienna và bao gồm cả các đại diện của Ngân hàng Anh,
Công ty bảo hiểm Trust của New York và M. M Warburg của
Hamburg. Sau các cuộc họp bí mật căng thẳng vào cuối tuần, chính
phủ đưa sự việc ra công chúng vào ngày thứ Hai, 11 tháng Năm,
đồng thời tuyên bố gói cứu trợ 15 triệu đô-la được vay từ Ngân hàng
Thanh toán Quốc tế - BIS.