len và mua trên cả thị trường giao dịch các hợp đồng kỳ hạn
(forward market), một sự cá cược với kết quả tệ hại.
Ngày 5 tháng Sáu, một tờ báo Thụy Sĩ loan tin rằng một ngân
hàng chưa rõ tên của Đức đang gặp rắc rối. Khi tin đồn rộ lên ở
Berlin, ngày 6 tháng Bảy, một ngày trước khi cuộc đàm phán hoãn nợ
kết thúc, Danatbank, ngân hàng mà trước đây Schacht đã làm việc
và là ngân hàng lớn thứ ba ở Đức, bỗng nhiên tuyên bố rằng mình
không gặp khó khăn. Một ngân hàng không thể tồn tại nếu không
liều lĩnh; còn một khi nó buộc phải công khai chối bỏ tin đồn
rằng mình đang gặp rắc rối thì rõ ràng là nó đang có rắc rối lớn.
Hai ngày sau đó, giám đốc Danatbank, Jacob Goldschmidt, đồng
nghiệp cũ và đồng thời là khắc tinh của Schacht, thông báo với
Reichsbank rằng ngân hàng của ông không thể trả được nợ.
Người kế nhiệm của Schacht tại Reichsbank là Hanas Luther,
người với tư cách là Bộ trưởng Tài chính năm 1923, thời điểm đỉnh
cao của lạm phát phi mã, đã phải miễn cưỡng bổ nhiệm Schacht làm
cố vấn tiền tệ. Luther, mặc dù không phải thành viên Quốc hội và
là một “chính trị gia không đảng phái”, đã là thủ tướng trong vòng
mười tám tháng vào năm 1925 nhưng bị buộc phải từ chức một cách
không vẻ vang gì khi chính phủ của ông yêu cầu các đại diện ngoại
giao và lãnh sự Đức ở nước ngoài bên cạnh việc treo cờ cộng hòa (đen,
đỏ và vàng) còn phải treo thêm cờ của đội thương thuyền quốc gia,
thứ trông giống như một lá cờ đã bị cấm của đế chế cũ (đen,
trắng và đỏ). Ông không phải sự lựa chọn tốt cho Reichsbank. Mặc
dù là một nhà quản lý có kinh nghiệm, ông đã để lại tiếng xấu là
một quan chức địa phương chậm chạp và chỉ đơn giản là thiếu những
phẩm chất cần thiết để điều hành một ngân hàng Trung ương,
đặc biệt là sự thiếu hiểu biết về các khía cạnh tâm lý của cuộc
khủng hoảng và tầm quan trọng của lòng tin.