Không khí bắt đầu trở nên căng thẳng, sự tức giận cứ lớn lên
từng ngày. Hoover trút nó lên người Pháp và trách cứ Mellon vì đã
quá nhẹ tay với họ. Trong khi đó, vàng dự trữ của Đức vẫn tiếp tục
chảy ra ngoài. Các ngân hàng Trung ương lại cấp thêm cho nước này
khoản nợ 100 triệu đô-la vào ngày 24 tháng Sáu. Chỉ trong vòng mười
ngày, nó đã bốc hơi sạch. Trong một cuộc nói chuyện giữa Norman
và Harrison ở New York, ông đã ca thán rằng Berlin đang “chảy máu
cho đến chết” trong khi người Pháp và người Mỹ còn bận tranh cãi
với nhau. Thủ tướng Anh còn đề cập một cách chua cay trong nhật
ký của mình: “Pháp đang chơi cái trò nhỏ nhen và ích kỷ vẫn thường
thấy của mình trước đề nghị của Hoover… Làm một điều tốt đẹp,
dù là cho lợi ích của chính mình, không hợp với bản chất của người
Pháp. Vậy nên Đức thì đang dần suy sụp mà Pháp thì vẫn cố mặc
cả.”
Đàm phán cuối cùng cũng kết thúc vào ngày 7 tháng Bảy, người
Mỹ phải chấp nhận rằng Đức sẽ chỉ tạm hoãn trả nợ một phần, tuy
nhiên người Pháp cũng đồng ý là họ sẽ ngay lập tức cho Đức vay lại
khoản tiền bồi thường mà họ nhận được từ nước này. Cả hai bên
đều có thể vỗ ngực rằng mình đã chiến thắng. Thủ tướng Pháp
nói một cách mỉa mai: “Giờ thì ngài Mellon có thể tiếp tục kỳ nghỉ bị
gián đoạn của mình.” Vị Bộ trưởng Tài chính lập tức rời đi Riviera.
Nhưng mọi sự đã quá muộn màng. Ngày 17 tháng Sáu,
Norddeutsche Wolkkammerei thuộc sở hữu của gia đình Nordwolle,
công ty kinh doanh len sợi lớn của Đức tuyên bố phá sản, làm lộ ra
khoản lỗ lên tới 50 triệu đô-la mà nó đã cố giấu giếm bằng cách
chuyển hàng tồn kho đã được thổi phồng giá sang công ty con tại
Hà Lan. Nhà Nordwolle không chỉ mất tiền vào thương vụ sản
xuất chăn ga gối của mình – dường như những người lãnh đạo nó
đã đầu cơ trên cơ sở tin rằng giá len sẽ tăng cao, dự trữ rất nhiều