Ngày 8 tháng Bảy, Luther gọi điện cho Norman. Reichsbank đang
trong tình trạng rất tồi tệ. Nó đã mất một lượng lớn vàng dự trữ.
Nếu cứ cố gắng cứu Danatbank, nó sẽ chỉ còn lượng dự trữ dưới
mức cần thiết theo luật để duy trì hoạt động, điều mà trong hoàn
cảnh hiện tại sẽ gây ra cuộc bán tháo đồng tiền Đức. Vậy là nó bị rơi
vào thế tiến thoái lưỡng nan: hỗ trợ đồng nội tệ và để Danatbank
phá sản hay cố hỗ trợ hệ thống ngân hàng quốc gia và nhìn vàng
dự trữ bốc hơi sạch. Đó là hoàn cảnh trong đó không có khả năng
nào là tốt đẹp – chỉ có sự chọn lựa giữa một kết cục xấu và một
kết cục tồi tệ mà thôi.
Giải pháp duy nhất của Luther là vay của nước ngoài. Ông nói với
Norman rằng mình cần một tỷ đô-la. Ngày 9 tháng Bảy, Luther, với
gương mặt đầy lo âu, lên một chiếc máy bay riêng tại Berlin – đó là
sự cầu viện đầu tiên của một ngân hàng Trung ương đang tuyệt
vọng. Ông đã gặp gỡ với thống đốc Ngân hàng Hà Lan tại
Amsterdam trong vòng khoảng hai giờ rồi sau đó bay tới London.
Ông được Norman và Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Athur Henderson,
tiếp đón tại sân bay Croydon. Cả đoàn đi xe tới London, nơi Luther
gặp gỡ với Bộ trưởng Tài chính Philip Snowden. Norman, theo lịch
trình sẽ tới Thụy Sĩ để tham dự cuộc họp hội đồng hàng tháng của
BIS và Luther quyết định đi cùng trên chuyến xe lửa đưa Norman
ra tàu biển ở Calais. Trong chuyến đi đó, khi Luther mô tả tình hình
đang ngày một xấu đi ở Đức, Norman cuối cùng cũng hiểu được
rằng trò chơi đã kết thúc. Tình trạng của nền kinh tế Đức lúc
bấy giờ đã không thể cứu vãn được nữa. Với tư cách một thống đốc
ngân hàng, tất cả những gì ông có thể làm là cho Đức vay thêm một
khoản tạm thời chỉ để kéo dài thêm chút thời gian. Nước Đức giờ đây
đang chìm dần và sắp sửa chìm nghỉm. Các con số cũng nói lên
tất cả. Đức hiện có GDP khoảng 13 tỷ đô-la và đang giảm đi theo
từng tháng, khoản chiến phí phải bồi thường là 9 tỷ đô-la, nợ tư
nước ngoài 6 tỷ đô-la và chỉ có 3,5 tỷ đô-la tiền gửi ngắn hạn lúc