trước những người thuộc đảng Dân chủ xã hội ở trong nước thì may ra
ông mới có thể cứu được nước Đức.” Chính phủ đã từng cố gắng
thuyết phục Schacht quay trở lại nắm quyền, đề nghị ông vào vị
trí đứng đầu hệ thống ngân hàng với trách nhiệm quét sạch các
rắc rối do cuộc khủng hoảng gây ra. Sợ rằng mình được mời một ly
rượu độc, ông đã từ chối và trở lại điền trang nơi thôn dã của mình
chờ cho sự việc qua đi.
Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Đức mùa hè năm 1931 lại một
lần nữa kéo nền kinh tế đi xuống. Trong vòng sáu tháng sau đó,
sản xuất sụt giảm tới 20%. Đến đầu năm 1932, sản xuất công
nghiệp chỉ đạt 60% mức của năm 1928. Gần sáu triệu người – một
phần ba lực lượng lao động – không có việc làm.
Tháng Mười năm 1931, các đảng cánh hữu cùng nhau tụ họp tại
một cuộc mít tinh trên một vùng núi nhỏ của Bad Harzburg, một
trong số rất ít nơi không cấm mặc đồng phục áo màu nâu của
đảng Quốc xã. Đó là sự tái hợp của tất cả những ai đang hoặc đã có
lúc từng chống lại nền dân chủ của nước Đức. Cả thị trấn được
trang hoàng bởi các biểu ngữ mang màu sắc của đế chế cũ. Các
tướng tá, sĩ quan cao cấp trong cuộc chiến tranh trước đó đều lộ
diện cùng với hai con trai của cựu hoàng, các hoàng tử Eitel Friedrich
và August Wilhelm, kéo theo một loạt các nhà công nghiệp, chính trị
và các nhóm dân quân bán vũ trang khoảng năm ngàn người cùng với
lực lượng quân đội của tất cả các phe phái. Sự kiện khởi phát từ lời
khẩn cầu về một sự dẫn đường sáng suốt của một mục sư Tin lành
và một cha cố Công giáo. Tâm điểm của sự kiện này là Hitler, người
lúc đó đang lôi cuốn sự chú ý của công chúng bởi những bài phát
biểu không hề được chuẩn bị trước của mình.
Tuy nhiên, một sự kiện khác cũng gây xôn xao không kém là trong
lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng với tư cách là đồng minh
của đảng Quốc xã, Schacht đã bước lên bục để phát biểu. Ông buộc