23. Lời kết
Tôi chưa từng thấy vấn đề nào, dù phức tạp đến đâu, khi
được nhìn nhận theo cách đúng đắn lại không trở nên phức tạp hơn
nhiều.
POUL ANDERSON
Bất cứ ai nghĩ hay viết về Đại khủng hoảng cũng không thể
không đặt câu hỏi: Nó có thể xảy ra lần nữa hay không? Để trả lời
câu hỏi ấy thì đầu tiên chúng ta hãy nhắc lại quy mô của cuộc
khủng hoảng kinh tế diễn ra từ năm 1929 tới năm 1933. Trong suốt
thời gian ba năm, GDP thực tế tại các nền kinh tế lớn sụt giảm
trên 25%, một phần tư số nam giới đủ tuổi trưởng thành không có
việc làm, giá cả hàng hóa giảm xuống một nửa, giá hàng tiêu dùng
giảm 30%, lương bị cắt giảm tới một phần ba. Dư nợ tại các ngân
hàng trên khắp nước Mỹ giảm 40% và tại rất nhiều nước, toàn bộ
hệ thống ngân hàng đều sụp đổ. Hầu hết các quốc gia vay nợ
nhiều của nước ngoài như các nước đang phát triển, các nước Trung
và Đông Âu đều lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, trong
số đó có cả Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Khủng hoảng
kinh tế gây khó khăn ở mọi nơi trên thế giới, từ những thảo nguyên
của Canada đến những thành phố đông đúc của châu Á, từ những
trung tâm công nghiệp của Mỹ tới những ngôi làng nhỏ bé nhất của
Ấn Độ. Không có cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời kỳ hòa bình
nào lại có phạm vi rộng lớn và sức ảnh hưởng sâu sắc như cơn đại
hồng thủy này.
Một phần lý do sự lan rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế
giới từ năm 1929 đến năm 1933 là do nó không chỉ là một cuộc
khủng hoảng đơn lẻ mà, như tác giả mô tả, là một chuỗi các cuộc