NHỮNG ÔNG TRÙM TÀI CHÍNH - Trang 64

Giới nhà giàu thì náo động là thế, song dân chúng vẫn tỏ ra hết

sức bình tĩnh. Trên khắp đất nước cũng có xuất hiện tình trạng đổ
đi rút tiền ở một số tổ chức tiết kiệm nhỏ, và những dòng người
dài dằng dặc toàn phụ nữ, trong đó có rất nhiều người là các gia
nhân và công nhân ở các nhà máy, kiên nhẫn xếp hàng bên ngoài
các ngân hàng tiết kiệm của thành phố để chờ rút tiền trong tài
khoản. Song trong những ngày này không hề xảy ra tình trạng hoảng
loạn đòi rút vàng như thường thấy mỗi khi chiến tranh nổ ra, và
Ngân hàng Trung ương Đức chỉ mất 25 triệu đô-la trong số dự trữ
vàng trị giá 500 triệu đô-la sau mấy ngày đầu.

Thực ra Ngân hàng Trung ương Đức đã có sự chuẩn bị trước với

những sự kiện như thế này từ vài năm trở lại đây. Công cuộc phòng
bị về mặt tài chính bắt đầu được thực hiện một cách nghiêm túc kể
từ sau cuộc khủng hoảng Agadir vào năm 1911 , khi nước Đức cố ý
khơi mào cho cuộc xung đột với nước Pháp nhằm tranh giành
Morocco. Đến giữa cuộc khủng hoảng, nước Đức đã bị một phen
chấn động bởi một cơn hoảng loạn tài chính. Thị trường chứng
khoán sụt giảm 30% chỉ trong có một ngày, trên khắp đất nước,
người người đổ xô đi rút tiền ở các ngân hàng vì quá sợ hãi và bắt
đầu mang đổi giấy bạc lấy vàng. Ngân hàng Trung ương Đức mất
một phần năm lượng vàng dự trữ chỉ sau một tháng. Người ta đồn
rằng xảy ra cơ sự này là do các ngân hàng của Pháp và Nga đồng
loạt rút cạn quỹ, mà nhạc trưởng trong vụ này chính là Bộ trưởng Tài
chính Pháp. Ngân hàng Trung ương Đức tiến sát bờ vực rơi khỏi
ngưỡng dự trữ vàng tối thiểu theo quy định nhằm làm đối ứng cho
những đồng tiền nó phát hành ra thị trường. Đối mặt với nỗi ô
nhục bị hất cẳng khỏi chế độ bản vị vàng, hoàng đế Đức đành
xuống nước và bất lực nhìn người Pháp chiếm đóng phần lớn
Morocco.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.