được lai vãng đến trong vài tuần sau đó. Họ làm việc miệt mài hàng
ngày từ sáng tinh mơ đến tối mịt, họp mặt trong những đại sảnh
khoáng đạt hoa lệ, với chòi canh, mái vòm cao tới năm mét, cùng vô
số mái hiên và cửa sổ nhìn thẳng ra biển Đại Tây Dương xanh thẳm.
Davison và Strong dậy từ khi chưa tỏ mặt người để cưỡi ngựa hoặc bơi
lội, ăn sáng xong là bắt tay vào làm việc ngay. Họ ăn những món xa
xỉ - sò tươi, thịt muối kiểu quê, gà tây rừng – và cùng tổ chức ngày lễ
Tạ ơn với nhau. Sau này Vanderlip đã viết rằng đó là “cường độ
hoạt động trí óc căng thẳng nhất mà tôi đã từng được trải nghiệm.”
Cả nhóm chung tay với lời thề giữ bí mật, một cam kết mà họ
nguyện giữ trọn không thay đổi. Mặc dù bốn năm sau, sự thật về
cuộc họp đã được một tạp chí hé lộ, song trong suốt hai mươi năm
tiếp đó, không ai trong số những người có mặt ở đó chịu công khai
thừa nhận rằng họ đã tham gia.
Kế hoạch họ đã xây dựng trong mười ngày đó, với những chi tiết
cuối cùng do Vanderlip và Strong cùng soạn thảo, đã được công bố
rộng rãi vào ngày 16 tháng Một năm 1911. Được biết đến dưới cái
tên Kế hoạch Aldrich, trung tâm của nó là một tổ chức - Hiệp hội Dự
trữ Quốc gia - một ngân hàng Trung ương ở mọi khía cạnh, ngoại trừ
tên gọi, ngân hàng này sẽ có chi nhánh trên toàn quốc, có quyền
phát hành tiền tệ và cho các ngân hàng thương mại vay nợ. Chính
phủ sẽ có đại diện trong ban quản trị của hiệp hội, song bản thân hiệp
hội này lại nằm dưới quyền sở hữu và kiểm soát của các ngân hàng,
nói cách khác, đây là một dạng liên doanh liên kết giữa các ngân
hàng.
Nelson Aldrich có thể là nhân vật có hiểu biết sâu rộng nhất về
ngành tài chính trong Thượng viện, song việc ông đứng tên là cha đẻ
cho kế hoạch thiết lập một ngân hàng Trung ương của nước Mỹ lại
là chuyện tréo ngoe không gì sánh bằng. Trong Thượng viện tập hợp
toàn giới nhà giàu mà người ta gọi đó là “câu lạc bộ các triệu phú” -