thì ông là một trong số những người giàu nhất. Có tin đồn rằng
ông đã bán hết cổ phần mình có trong Công ty liên hiệp sức kéo và
điện đảo Rhode (United Traction and Electric Company of Rhode
Island) và bỏ túi tới 10 triệu đô-la; ông cũng không ngại khoe điền
trang rộng mênh mông mình tậu được ở Newport, đảo Rhode, và có
con gái là cô Abby đã nên duyên vợ chồng với John D. Rockerfeller
Con. Ông còn là người sốt sắng ủng hộ các doanh nghiệp lớn, là kẻ
thù không đội trời chung của các luật định, là nhân vật hăng hái cổ
động cho các sắc thuế cao. Chưa hết, thiên hạ còn đồn ông thích
mang các ưu đãi chính trị đổi lấy những khoản vi thiềng tài chính.
Nói tóm lại, ông là hiện thân sống của tất cả những gì mà những
người ủng hộ ý tưởng về một ngân hàng Trung ương kinh sợ nhất.
Chỉ trong vài tháng sau đó, đúng như lo ngại của Strong, các thành
viên đảng cấp tiến và thành viên miền Trung Tây của đảng Cộng
hoà cùng hợp lực tiêu diệt kế hoạch này; song đến đầu năm 1913,
các nghị sĩ đảng Dân chủ có chân trong Quốc hội, đứng đầu là Nghị
sĩ Carter Glass, đã ra tay cứu nguy cho ý tưởng đó bằng cách đem
chỉnh sửa lại. Theo đó, thay vì xây dựng một ngân hàng Trung ương
duy nhất, dẫn đến tập trung quyền lực quá lớn, Kế hoạch Glass
đề xuất thiết lập một loạt các tổ chức khu vực tự trị, được gọi là các
Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Từng đơn vị riêng lẻ sẽ nằm dưới
quyền kiểm soát của các chủ ngân hàng ở địa phương, còn cơ quan
quyền lực tối cao - Hội đồng Ngân hàng Dự trữ Liên bang, một cơ
quan công cộng với các thành viên do tổng thống đích thân bổ
nhiệm - sẽ có nhiệm vụ giám sát toàn bộ hệ thống.
Mặc dù đạo luật của Glass sao chép rất nhiều điểm mấu chốt
trong Kế hoạch Aldrich, song Strong lại vận động kịch liệt để bác bỏ
đạo luật này, vì lo ngại rằng cơ cấu tổ chức phi tập trung hóa kiểu
đó sẽ chỉ làm xấu thêm tình trạng quyền lực bị phân tán và rời rạc
vốn đã đủ tồi tệ lắm rồi. Cuối cùng các chủ ngân hàng New York