nào nỗi đau đớn phiền muộn mà ông hầu như đã che đậy vô cùng
khéo léo.
Chính khoảng thời gian qua lại giữa New York và Washington vào
tháng Tám năm ấy là thời điểm Strong lần đầu tiên tiếp cận cơ
hội trở thành thống đốc của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York
mới được thành lập. Giá như Kế hoạch Aldrich về một ngân hàng
Trung ương duy nhất được phê chuẩn trước đó, thì các vị lãnh đạo
của cộng đồng ngân hàng New York, như Davison và Vanderlip, đã
chọn Strong làm ứng cử viên tiềm năng cho vị trí chủ tịch từ lâu rồi.
Giờ đây, dưới hệ thống dự trữ liên bang, với rất nhiều ngân hàng
dự trữ và một hội đồng quản trị tại Washington, họ đã thống nhất
với nhau rằng tài năng của Strong sẽ được tận dụng tối đa nếu đặt
ông vào vị trí chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Trong
số mười hai ngân hàng dự trữ khu vực đã được thành lập dưới đạo
luật mới, Ngân hàng Dự trữ New York sẽ là ngân hàng lớn nhất. Quả
thật họ đã đúng khi tiên đoán rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang
New York - ngân hàng dự trữ của họ - với quy mô và kinh nghiệm của
mình, sẽ có khả năng chi phối toàn bộ hệ thống.
Strong là một lựa chọn hoàn hảo. Sự nghiệp hoạt động trong
ngành ngân hàng của ông cực kỳ rực rỡ; ông trải qua cuộc thử lửa
đầu tiên trong cuộc hoảng loạn năm 1907; sau khi dự phần vào kế
hoạch hình thành nên ý tưởng về một ngân hàng Trung ương Mỹ
trên hòn đảo nhỏ ngoài bờ biển Georgia ngày nào, ông đã trở thành
một trong những chuyên gia trong lĩnh vực này; và cuối cùng, ông là
người rất có uy tín trong nhóm các hội viên tại J. P. Morgan. Có lẽ
ông chỉ thiếu sự tinh nhạy của một Davison và phong thái nho nhã
của Thomas Lamont mà thôi. Ngoài mấy tiểu tiết lặt vặt đó ra thì
không nghi ngờ gì nữa, ông sở hữu một đôi tay thật sự đáng tin cậy.
Lời đề nghị trở thành chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New
York thật sự đặt Strong vào thế tiến thoái lưỡng nan và ban đầu