NHỮNG PHÚ HỘ LỪNG DANH NAM KỲ - Trang 119

học chữ Nho, nay có lịnh tạm nghỉ, để theo học chữ Pháp. Ban đầu, nhà
cầm quyền Pháp tư giấy về các gia đình ra lịnh cưỡng bách, khiến các nhà
giàu hoặc khá giả, có con em tới tuổi đi học rất lo lắng. Lúc ấy không ai
muốn con em mình theo học chữ Tây hay chữ Quốc ngữ vì nghĩ rằng “khi
học xong, họ bắt đưa về bên Tây, phải xa quê quán”. Nhiều nhà có con em
đang theo học với mấy ông đồ Nho, đều hoang mang không khác gì nạn
“bắt lính tản”. Họ lo lắng, tìm phương cứu gỡ cho con cái khỏi đi học bằng
mọi giá. Lại có nguồn tin khác rỉ tai nói rằng “đất này của triều đình. Mai
mốt nhà vua lấy đất lại, sẽ trả thù những người nào theo học chữ Tây”. Vì lẽ
đó, nhiều gia đình làm tròng tréo, nhờ con người ở đợ chăn trâu, tôi tớ trong
nhà đi học thay cho con mình. Những nhà không có tôi tớ, phải mướn con
cháu các gia đình bần hèn một cách khó khăn. Gặp dịp này, các gia đình ấy
làm eo làm xách để đòi tiền. Tuy nhiên, mấy ông nhà giàu cũng phải chịu
họ, miễn có người đi học thay cho con mình, tốn kém bao nhiêu cũng chịu.
Họ cam kết bao bọc, cấp đất ruộng cho gia đình ấy sinh sống, miễn lo xong
công việc thì thôi.

Nhờ cơ hội ấy, con cháu các gia đình nghèo, bỗng nhiên gặp dịp may.

Nhiều cậu học trò khó, nhờ chăm chỉ, siêng năng, chỉ sau 5, 7 năm đỗ đạt
qua các kỳ thi rồi làm thơ ký, thăng dần lên thầy thông, ông phán, rồi
huyện, phủ, mấy hồi. Tương truyền các ông phủ Nguyên, phủ Sử, phủ Bình
ở Gò Công, và ông Diệp Văn Cương (Gò Vấp) là những người xuất thân
trong hoàn cảnh kể trên.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.