Hồi đó, tại Nam Kỳ có 3 cơ quan tư vấn tối cao, phụ tá cho Thống đốc là:
Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, Hội đồng Canh nông, và Phòng thương mại,
thì ông Bền đều là hội viên của cả ba. Ông Bền có nhiều con trai lẫn gái.
Một người con, chúng tôi được nghe nhắc tới là ông Trương Khắc Trí, từng
là chủ tịch ban quản trị Việt nam Công Thương Ngân Hàng (lập năm 1953)
tại Sài gòn. Người con trai út, ông Trương Khắc Cần, thay cha quản lý
“Hãng xà bông Việt nam” cho tới khi Việt cộng chiếm trọn miền Nam.
Liền sau công cuộc “giải phóng dân tộc”, một chiến dịch hết trọn tài sản,
nhà đất, công ty, xí nghiệp của những nhà tư sản và xua đuổi họ ra nước
ngoài, ông Trương Khắc Cần “được nhà nước ưu ái” cho phép hiến tặng tất
cả tài sản mà gia đình thân phụ ông tạo lập từ hơn nửa thế kỷ nay, để
được… sang Pháp. Trong ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ”, nhà văn Phạm
Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền:
Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước
cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ
về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông Chợ Lớn. Xem qua cái công
cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong
lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu
chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách
người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp. (lúc đó khoảng năm 1918,
ông Bền chưa lập hãng xà bông)