thăng huyện, rồi phủ và từng ngồi chủ quận ở các quận Thủ Thừa, Bình
Phước (Tầm Vu) thuộc tỉnh Tân An và Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ.
Ông Phủ Nguyễn Văn Thâm sinh năm 1882, sau khi tốt nghiệp tại trường
Mỹ Tho, ông lên Sài gòn, thi vô trường lớn Chasseloup Laubat. Năm 1900,
ông ra trường làm thư ký tập sự tại dinh Thống đốc (còn gọi Soái phủ), rồi
đổi ra làm đại lý hành chánh (như Quận trưởng) tại các tỉnh Sa Đốc, Tân
An, Trà Vinh… tới năm 1935 thì về hưu với nấc thang chót của quan trường
ngạch thuộc địa: Đốc phủ sứ.
Các ông Lê Minh Tiên, ông Lê Văn Mầu, dân cố cựu ở Mỹ Tho Vĩnh
Long đều nghe danh tiếng về sự giàu có. Riêng ông Phủ Lê Văn Mầu,
đương thời làm chủ trọn cù lao Rồng trước chợ Mỹ Tho. Cù lao Rồng, tên
chữ là Long Châu, do vua Gia Long đặt ra, nằm án ngữ trước châu thành
Mỹ Tho, dài 2 cây số. Thời Pháp thuộc, chỗ này là nơi an trí người bịnh cùi.
Sau Trần Bá Lộc, ông Đốc phủ Mâu có lẽ là người giàu nhứt nhì trong tỉnh
Mỹ Tho. Theo dư luận những vị cao niên kể lại cho biết giai thoại “ác lai ác
báo”. Đó là sự nghiệp của hai cha con Tổng đốc Trần Bá Lộc và con là Trần
Bá Thọ (Hội đồng quản hạt, kiêm Tổng đốc hàm). Nguyên vào năm 1876,
Trần Bá Lộc có mua trọn cù lao Dài, còn gọi là cù lao Ngũ Hiệp hay cù lao
“Năm Thôn” (sau này là xã Quái Thiện, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
Sở dĩ gọi “Cù lao Năm Thôn” vì trên cù lao này có 5 ấp: Thanh Bình,
Thanh Lương, Phù Thới, Thới Bình… Cù lao này, hồi Pháp mới chiếm
được Nam Kỳ (1872) có bán cho hai Đại uý Hải Quân giải ngủ là Brou và
Taillefer với giá tượng trưng chỉ có 3000 quan (Francs). Hàng năm Taillefer
và Brou phải trả thêm 3180 quan (Francs) như tiền thuế và phải trả mãn đời.
(Xin xem thêm bài “Cù Lao Năm Thôn và lãnh chúa Taillefer”, sách Nam
Kỳ lục tỉnh, tập I, Văn Hoá xuất bản).
Tân An là một tỉnh nhỏ, đất nhiều phèn, nhưng là chỗ khởi nghiệp của
ông Huyện Sĩ (Lê Phát Đạt), nhà giàu nhứt Nam Kỳ, được dư luận gọi là
“Thiên hạ đệ nhứt gia”. Tân An cũng có nhiều người giàu lớn như ông Cai
Nguyên, ông Hội đồng Vận, và nhứt là gia đình họ Nguyễn tại làng Tân
Trụ, dược người địa phương gọi là “gia đình danh giá nhứt” trong tỉnh.