làm ăn như xưa. Chỉ trừ chủ tịch Côn, tên thợ hớt tóc tiệm Minh Hồng, thầy
giáo Philippe, tên Trần Thanh Liêm, tên chủ tiệm Vạn Lợi, là 4 tên tội
phạm đầu sỏ, cần phải bắt giết để trừ hậu hoạn.
Về sau thầy giáo Philippe, ban đêm băng qua con lộ Giây thép, bị lính
partisan đi tuần tiểu bắn chết. Tên thợ hớt tóc tiệm Minh Hồng, ban đêm lẻn
về thăm vợ ở làng Vĩnh Trị cũng bị lính ở đồn Vĩnh Trị phục kích bắn chết
tại trận. Họ cột thây hắn treo lên cây ở lộ Giây Thép để cho thân nhân của
những kẻ chết đến nhòm mặt. Còn chủ tịch Côn thoát chết trong một trận
ruồng bố, cảm thấy ăn năn tội cũ, nên cùng tên chủ tiệm Vạn Lợi trốn lén
núi Thiên Giải ở Bà Rịa để tu hành. Từ năm 1946 trở về sau, cả hai không
bao giờ chường mặt ở lãnh thổ đất Gò Công nữa. Trải qua bao cuộc biển
dâu, không ai còn nhắc tới họ nữa”.
Ngoài ra, trong tỉnh Gò Công cũng còn nhiều nhà giàu xưa, kẻ ở phía
Bắc tỉnh lỵ, người ở phía Nam như ông Phủ Bảy Lê Quang Liêm, ông
huyện Hiền, ông Hội đồng Nguyễn Minh Chiếu (có tên đường ở Phú
Nhuận).
Nhà giàu lớp trước nữa, thuộc thế kỷ 19, được người đời nhắc tới là ông
Mai Tấn Huệ, một cự phú đã khai thác nhiều sở ruộng, lập vườn, xây đập
để ngăn nước mặn tràn vào ruộng. Nghe đâu hồi trước ông làm quan võ
dưới triều Nguyễn tới chức Chưởng cơ, nên dân chúng nhớ ơn gọi chỗ đó là
“đập ông Chưởng”, nay vẫn còn. Gò Công còn là quê hương của một chàng
công tử ăn chơi khét tiếng được dân chúng tôn là “dân cậu” hay “công tử”
tiền phong của Nam Kỳ. Cuộc đời của công tử Hai Miếng, con lãnh binh
Huỳnh Công Tấn, chúng tôi có viết lại trong bài Gò Công, nơi phát tích các
dòng họ quý tộc. Làng Đồng Sơn, trù phú nhứt trong tỉnh, ruộng sâu, đất cát
phì nhiêu, vườn tược nhiều cây trái tươi tốt. Đó là cuộc đất của nhiều bậc cự
phú trong tỉnh. Đồng Sơn cũng là quê quán của người viết tiểu thuyết tiên
phong ở Nam Kỳ là Lê Sum, tự Trường Mậu (Viết báo Nông Cổ Mạn
Đàm). Chỗ này là trung lâm văn hoá của Gò Công hồi giữa thế kỷ 18. Từ
miền ngoài, các vị khoa bảng lỡ vận, các ông đồ theo đoàn người di dân đến