Cuộc bạo động của ông “Đạo Tưởng” ở Tân Châu năm
1939
Đông bào lục tỉnh chắc còn nhớ vụ án đẫm máu xảy ra tại Tân Châu vào
năm 1939? Vụ án “Ông Đạo Tưởng” là một trong ba biến cố lớn bùng nổ ở
Nam Kỳ giữa hai cuộc thế chiến, làm chấn động cả Trung Bắc và kiều bào
ở Miên, Lào nữa. Vụ án “Ông Đạo Tưởng” có pha màu sắc chính trị lẫn tôn
giáo, phát sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt, nước Pháp sắp lâm chiến bên
Âu Châu. Vì lẽ đó, nhà cầm quyền Pháp lo ngại những cuộc khởi nghĩa
giành độc lập tại các thuộc địa Đông Dương.
Hồi những thập niên đầu của thế kỷ 20, Nam Kỳ xảy ra ba vụ án lớn:
- Vụ án Đồng Nọc Nạn ở Phong Thạnh, Giá Rai, Bạc Liêu năm 1928.
- Vụ án Ông Chủ Chọt ở Phước Long năm 1929.
- Vụ án Ông Đạo Tưởng ở Tân Châu năm 1939.
Bài “Vụ án Đồng Nọc Nạn”, chúng tôi đã viết lại trong sách Nam Kỳ lục
tỉnh, tập I. “Vụ án Chủ Chọt” chúng tôi kể lại trong bài “Trên Bờ Kinh
Xàng Phụng Hiệp Cà Mau”.
Nhìn chung, tính chất mỗi vụ án có những tình tiết khác biệt: Vụ án
Đồng Nọc Nạn và vụ án ông Chủ Chọt xuất phát từ chỗ quyền tư hữu về
ruộng đất bị xâm phạm, do chính sách bất công về ruộng đất của chế độ
thuộc địa. Chế độ ấy làm nảy sinh nhiều khủng hoảng mà cao điểm là cả hai
vụ án đều xảy ra đẫm máu. Còn vụ án ông Đạo Tưởng mang màu sắc tôn
giáo pha lẫn chính trị. Nó giống vụ “Phan Xích Long Hoàng Đế khởi nghĩa
năm 1913” và vụ “Phá khám cứu Đại ca năm 1916” mà chúng tôi đã có viết
lại trong sách Nam Kỳ lục tỉnh, do Văn hoá xuất bản. Tất cả các vụ án nói
trên có một điểm giống nhau: Nhằm vào người Pháp và chống lại chế độ cai
trị vừa bóc lột vừa bất công.
Tại sao cùng trên một đất nước, mà ở Nam Kỳ lại xảy ra những hiện
tượng độc đáo còn những nơi khác thì không? Có phải do tính chất địa
phương của người Miền Nam? Ở đây chúng tôi không phân tích, phê phán,
so sánh từng vụ án, mà chỉ làm công việc của người kể chuyện. Lượm lặt,