ông đạo Tưởng dạy đệ tử đọc bùa chú, lâm râm khiến ai nấy đều tin rằng họ
được phép thuật huyền bí nào đó trợ giúp. Hồi đó, các võ sĩ mỗi khi lên đài,
thường lén ngậm ông Phật trong miệng, coi như được truyền sức mạnh!
Thật ra đó chỉ là yếu tố tâm lý. Xin thuật lại một bài nói về trận đấu võ đài
năm 1935, giữa võ sư Tư Cương (Chợ Lớn) và Tô Hùng Bính (Sóc Trăng):
“Hiệp chót xảy ra cãi cọ một lúc vì có người ngoài lén đưa ông Phật cho
võ sĩ Tô Hùng Bính. Bính liền ngậm vào miệng. Khán giả thấy, la ó. Nhưng
Tư Cương nói:
- Dầu ngậm mười ông Phật cũng đánh, chớ Tư Cương này không sợ
đâu?”
Núp bóng người anh, hai em Lâm Văn út và Lâm Văn Bửu cùng học võ
nghệ, được ông Đạo Tưởng huấn luyện, trở thành những cánh tay đắc lực
của ông. Trong những buổi tập luyện, biểu diễn trước am, Bửu và Út từng
hạ nhiều võ sĩ có hạng trong vùng, dân chúng rất nể phục.
Bước kế tiếp, ông đạo Tưởng lập riêng “tiểu triều đình”, căn cứ theo sự
hiểu biết qua các truyện Tàu. Chuyện như giả ngộ, nhưng nhiều người ùn
ùn tin theo: Đạo Tưởng lúc cao hứng tự xưng “Hoàng Minh Quốc”, phảng
phất câu chuyện “Thái Thượng Hoàng Minh” ở Đồng Tháp Mười vào năm
1929. Lợi dụng sự mê tín của dân quê, ông đạo này cho xâm hai chữ “Sơn
hà” vào hai tai, “Xã tắc” vào hai chân của đứa trẻ, cháu ngoại ông mới sanh.
Từ đó, ông rỉ tai cho lối xóm biết “điềm trời”. Ông còn cho biết đứa bé ấy
chính là Thánh ra đời. Nó sẽ là Minh Vương và ông sẽ làm Thái Thượng
Hoàng Minh.
Ông kêu gọi bá tánh hiến nạp của cải, tài sản. Họ cũng chung sức cất nhà
cho ông, tình nguyện làm lính cho ông đánh Tây. Ông tổ chức đội ngũ dân
quân với giáo, mác… kéo vào rừng thuộc quận Thủ Thừa, nhưng chưa xuất
trận lần nào đã bị Pháp dẹp tan.
Ông Đạo Tưởng cũng bắt chước tương tự. Ông phong chức cho các thuộc
cấp như một triều đình trong truyện Tàu mà dân chúng thường đọc:
- Quân sư: Nguyễn Văn Hương