Đoàn người lũ lượt đi qua cánh đồng này tới cánh đồng khác tạo ra một
bầu không khí vui nhộn như một đám rước sắc thần. Họ đi từ sớm cho tới
chiều tối. Xóm làng nào họ đi qua cũng có người đem cơm vắt, nước uống
ra cung cấp. Đi một đỗi, người thủ xướng hỏi ông Địa:
- Chừng nào mưa?
Ông Địa trả lời:
- Chiều nay mưa (hoặc sáng mưa).
Đoàn người ấy cứ diễn hành cả tháng trời như vậy, hy vọng làm náo động
cả bầu trời để có mưa. Hồi đó có những câu hát:
Cầu trời mưa xuống,
Cho dân làm ruộng,
Nước ngập bầu mương,
Tốt lúa tươi vườn,
Nhỏ phước ban ơn,
Dân chúng vui mừng,
Đêm ngày cầu khẩn,
Trời đất thánh thần,
Nắng dịu, mây vần,
Đổ mưa tràn sân,
Nước ruộng ngập chân, nông nghiệp đội ân…
Đến tháng Mười, bao nhiêu sự mong đợi, cầu khẩn trở thành thất vọng.
Nhiều dân đinh trai tráng Gò Công bỏ đi tha phương cầu thực: Gặt lúa
Đồng Môn (Biên Hoà), mua khoai Trà Bang Long Mỹ, bắp hột từ Nam
Vang đem về cứu trợ. Tiền nhân ta có kinh nghiệm của nghề nông “Một
năm mất mùa ba năm thiếu đói” (Gò Công, cảnh cũ người xưa” của Việt
Cúc, trang 122) Suốt năm 1904, báo chí Nam Kỳ xuất hiện nhiều bài thơ,
phú nói về cảnh khổ của dân chúng trong trận lụt năm Thìn: Bài song thất
lục bát “Gò Công Phong Vịnh Hồng Thuỷ Biến Sanh” của Trần Văn Quan
và bài phú “Đám Ca Hồng Thuỷ Điếu Bỉ Sanh Linh”.