VÀI LƯU Ý TRƯỚC KHI CHÚNG TA BẮT ĐẦU
Định nghĩa gia đình
Bạn đã xem đoạn quảng cáo loại đồ uống nhẹ này chưa? Máy quay lia theo một chàng trai trẻ
tầm tuổi đại học, trông rất ưa nhìn, tại một bữa tiệc nhộn nhịp trong một ngôi nhà rộng rãi. Ấy
là dịp lễ nào đó, chàng trai đang tíu tít giới thiệu bạn với bao nhiêu bạn bè và thành viên gia
đình, rồi hát một bài, rồi chuyển cho mọi người thức uống nhẹ. Nào mẹ cậu, em gái cậu, em
trai cậu, cả “bà mẹ kế sành điệu bất ngờ”, kèm thêm cả hai đứa trẻ con của bà mẹ kế trước khi
gặp ba cậu, thêm cả các cô dì, anh em họ, đồng nghiệp cùng công sở, bạn thân nhất, giáo viên
judo, bác sĩ trị dị ứng của cậu, rồi cả các bạn bè trên mạng Twitter của cậu nữa. Đó là thí dụ rõ
ràng mà tôi thấy, nói lên rằng định nghĩa gia đình kiểu Mỹ đã thay đổi. Thật chóng vánh.
Đúng ra thì định nghĩa ấy cũng chưa bao giờ bền vững. Khái niệm gia đình hạt nhân – gồm bố,
mẹ và 2,8 đứa con – chỉ phổ biến trong thời Victoria. Hơn ba thập niên trở lại đây, tỉ lệ ly hôn ở
Mỹ lên tới 40-50% như một con kền kền liệng vòng vòng trên đầu các cuộc hôn nhân và hiện
tượng tái hôn trở nên phổ biến, mẫu gia đình “rổ rá cạp lại” đã trở thành mô hình gia đình điển
hình hơn nhiều. Tương tự, tỉ lệ gia đình đơn thân tăng vọt, với 40% ca sinh nở ở Mỹ là của
những phụ nữ chưa kết hôn. Hơn 4,5 triệu trẻ em không được chính bố mẹ đẻ nuôi dạy mà nhờ
vào ông bà của mình. Cứ 5 cặp đồng tính thì có một cặp đang nuôi con.
Những biến đổi xã hội này diễn ra quá nhanh, khiến cho cộng đồng khoa học khó có thể nghiên
cứu đầy đủ. Đơn cử như bạn không thể nào thực hiện một công trình 20 năm về hôn nhân đồng
tính trong khi luật pháp gần đây mới cho phép. Bao năm qua, những dữ liệu đáng tin cậy về
nuôi dạy con cái chỉ được khai thác từ các mối quan hệ khác giới trong một cuộc hôn nhân
truyền thống của thế kỷ XX. Vậy nên cho đến khi các nhà nghiên cứu có đủ điều kiện nghiên
cứu về động lực đằng sau những mô hình gia đình mới, chúng ta sẽ không thể biết được những
nhận định trong cuốn sách ở đây liệu có thể áp dụng lên mọi tình huống khác không. Đó là lý do
tôi sử dụng khái niệm “hôn nhân” và “bạn đời” chứ không phải là “đối tác”.
Nguồn trích dẫn các câu chuyện
Rất nhiều câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất trong cuốn sách này được trích dẫn từ
TruuConfessions.com, một trang web nơi các bậc cha mẹ có thể đăng bài nặc danh để trút hết
nỗi lòng, tìm kiếm lời khuyên hay chia sẻ những kinh nghiệm dạy dỗ con cái với cả thế gian.
Những câu chuyện khác là trải nghiệm của chính vợ chồng tôi trong việc nuôi dạy hai cậu con
trai Jons và Noah, hai đứa mới bước vào tuổi thanh niên khi tôi viết những trang này. Vợ chồng
tôi còn lưu giữ một cuốn nhật ký về những năm tháng lớn lên của hai đứa, ghi lại những quan
sát, bới lại hồi ức của chúng tôi về một kỳ nghỉ, một chuyến đi hay một điều tuyệt diệu nào đó
mà bọn trẻ đã dạy cho chúng tôi ngày ấy. Cả hai đứa đều đọc lại từng câu chuyện có liên quan
đến mình, tôi xin phép chúng đưa mỗi câu chuyện ấy lên sách. Chỉ những ví dụ được bọn trẻ
đồng ý mới xuất hiện trên những trang giấy này. Tôi tán thưởng cả lòng dũng cảm lẫn óc hài
hước của hai cậu chàng khi cho phép ông bố già thân thương chia sẻ những mảnh vụn trong
quãng đời thơ ấu của chúng.
Căn bếp của vợ tôi
Trước khi đi vào nội dung chính, tôi muốn dùng phép ẩn dụ nào đó để tổ chức lại khối lượng
thông tin khổng lồ trong cuốn sách này sao cho dễ hình dung nhất. Ý tưởng đầu tiên đến từ vợ
tôi – một người, ngoài rất nhiều tài năng khác – là một đầu bếp cừ khôi. Căn bếp nhà tôi chất
ngất bao nhiêu thứ, từ các món rất thường như bột yến mạch cho tới những chai vang nước
ngoài hiếm, lạ. Vợ tôi rất chăm đổi món, vậy nên bếp có đủ loại gia vị. Kari còn tự trồng lấy hoa
quả và rau xanh ngay bên ngoài cửa bếp, cô ấy còn dùng đủ loại phân bón tự nhiên để làm đất
tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Một chiếc ghế ba chân trong bếp giúp hai đứa con trai của chúng tôi
với tới bệ bếp và đỡ đần việc nấu nướng. Bạn sẽ thấy tất cả những món đồ này xuất hiện trong