BÉ CÓ PHẨM CÁCH TUYÊN BỐ (CAP) luật lệ của bạn
Những luật lệ ban hành với một số đặc điểm nhất định sẽ có được ưu thế tối đa trong việc
thấm nhuần nhận thức đạo đức ở trẻ. Bạn có thể ghi nhớ chúng với “CAP”:
“C” là Clarity (Sáng rõ). Luật lệ phải rõ ràng, hợp lý và không mập mờ. Sẽ tốt hơn nếu bạn viết
hẳn ra. Bảng phân công việc nhà là ví dụ rất hay. Nhiều gia đình chỉ đơn thuần hét toáng ra luật
lệ ấy trong cơn giận dữ: “Từ giờ trở đi, con sẽ phải đi ngủ từ 8 giờ!” Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra
với luật lệ khi cảm xúc đã đội nón ra đi?
Hãy viết ra những luật lệ quan trọng, và dán ở chỗ ai cũng thấy. Chúng có thể đóng vai trò là
một điểm thảo luận và một nguồn vui đùa hài hước – như bất cứ ai đã từng đọc loạt truyện
Harry Potter và những sắc lệnh của giáo sư Dolores Umbridge có thể chứng thực.
“A” là Accepting (Đón nhận). Luật lệ được ban hành trong bầu không khí ấm áp và đón nhận.
“P” là Praise (Khen ngợi). Mỗi khi trẻ tuân thủ luật lệ, hãy củng cố hành vi này. Tương tự, khen
con cả khi con không làm hành vi xấu, ví như khi trẻ học được cách không la hét trong nhà
hàng.
Giải thích nguyên nhân hợp lý đằng sau luật lệ
Giải thích cho con lý do bạn đưa ra luật lệ này. Như vậy sẽ giúp trẻ khái quát hóa cho mọi tình
huống khác, dẫn tới việc tiếp thu đạo đức. Nếu tất cả những gì trẻ có được chỉ là “Vì mẹ bảo
con thế,” thì mới chỉ có dạng sơ khai mà thôi.
Trừng phạt có hiệu lực LÀM ĐẦU (FIRST)
“F” là firm (kiên quyết). Trừng phạt phải có ý nghĩa gì đó. Nó phải kiên quyết và đáng ghét thì
mới phát huy hiệu quả được.
“I” là immediate (tức thời). Trừng phạt được thực thi càng gần với thời điểm phạm lỗi thì càng
phát huy hiệu quả.
“R” là reliable (đáng tin cậy). Việc trừng phạt phải được áp dụng nhất quán bất cứ khi nào có
xuất hiện hành vi hư hỗn. Các thứ luật lệ áp dụng kiểu phập phù lúc có lúc không chỉ gây rối
loạn và dẫn tới sự phát triển đạo đức không đều.
“S” là safe (an toàn). Luật lệ phải được ban hành trong bầu không khí an toàn. Trẻ sẽ khó tiếp
thu hành vi đạo đức khi cảm thấy bị đe dọa.
“T” là tolerant (khoan dung). Thực ra, đó chính là đòi hỏi kiên nhẫn. Chúng ta phải chấp nhận
sự thật là trẻ hiếm khi tiếp thu được luật lệ ngay từ lần đầu tiên, có khi bạn sẽ phải nhắc đi
nhắc lại một luật lệ đến lần thứ 10.
Hãy ghi hình lại việc dạy dỗ con cái của bạn
Đa phần các bậc phụ huynh đều cất giữ một kho tư liệu về thời thơ ấu của con mình. Đúng là
như thế, thế hệ sắp tới sẽ là đối tượng được quay phim chụp ảnh nhiều nhất trong lịch sử. Nếu
bạn ghi hình chính việc bạn dạy dỗ con cái mình thì sao? Đặc biệt là những tình huống nan giải.
Bạn có thể trao nhiệm vụ ghi hình cho vợ/chồng mình và cố gắng phân tích cái đúng cái sai
trong cách xử lý của mình. Làm vậy bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn xem mình đảm đương vai
trò làm cha mẹ như thế nào.
Tận hưởng hành trình
Chẳng có việc gì đáng bỏ công bỏ sức ra hơn là nuôi dạy con cái!