đầu bằng việc thực hành với bạn đời và cả bằng hữu của bạn. Nếu họ làm được việc gì đó thật
là hay, hãy nói “Cậu hẳn phải nỗ lực nhiều lắm,” thay vì nói “Ối chà, cậu giỏi thật đấy.” Khi trẻ
được khen ngợi vì nỗ lực của mình, trẻ sẽ có xu hướng cố gắng nhiều hơn.
Mua lại thời lượng số hóa
Thấu hiểu đầy đủ về nhu cầu phải thành thạo về mặt số hóa của con cái mình, nhưng cũng phải
nhận thức đầy đủ về những mối hiểm nguy, vợ chồng tôi đã đưa ra một vài luật lệ vào thời
điểm hai cậu nhóc bắt đầu tuổi mẫu giáo. Đầu tiên, vợ chồng tôi phân chia các loại trải nghiệm
số hóa vào các nhóm. Hai trong số các nhóm này có liên quan tới những thứ thiết yếu với việc
học ở trường hoặc việc học về máy tính: các chương trình phát triển từ ngữ và đồ họa, các dự
án nghiên cứu trên nền tảng web, lập trình, vân vân và vân vân. Hai cậu nhóc được phép làm
những việc này do bài tập yêu cầu.
Còn các trải nghiệm giải trí – các trò chơi số hóa, các kiểu lướt web nhất định hoặc hệ thống
chơi Wii của cả nhà – chúng tôi gọi là Nhóm I. Chúng không bị giới hạn ngoại trừ kèm thêm
một điều kiện. Các con tôi có thể “mua” một khoảng thời gian nhất định của Nhóm I. Trả bằng
tiền nào đây? Chính là thời gian dành cho việc đọc một cuốn sách thật. Cứ mỗi tiếng đọc sách
lại mua được một lượng thời gian Nhóm I. Có thể tích lũy dần và được “tiêu xài” vào các dịp
cuối tuần, khi bài tập về nhà đã xong xuôi đâu đấy. Việc này có tác dụng với gia đình tôi. Lũ trẻ
luyện được thói quen đọc sách, có thể làm những công việc số hóa cần thiết cho tương lai của
mình và lại không bị khóa chặt khỏi những thứ vui vẻ.
BÉ HẠNH PHÚC
Lập biểu đồ bao quát cảm xúc của con bạn
Đa phần các bé sơ sinh đều chỉ có một ngưỡng tiếp nhận các kích thích trong cùng một thời
điểm. Lên danh sách tín hiệu “mình dừng ở đây được chưa” của con bạn, từ những dấu hiệu
thoáng qua như một cái lắc đầu đến rõ ràng như hét lên. Rồi căn cứ vào đó tương tác với con,
vừa dạy vừa nghe ngóng tín hiệu của con, và lập tức ngừng lại khi bé đã chạm ngưỡng.
Duy trì thói quen quan sát cảm xúc của con bạn ngay cả khi bé đã lớn hơn. Viết ra những điều
con yêu thích và những thứ con ghét. Liên tục cập nhật vì phản ứng tình cảm của con bạn sẽ
phát triển ngày càng đa dạng và phong phú. Việc lập danh sách sẽ xây dựng cho bạn thói quen
chú ý, và theo sát được bất cứ biến đổi nào về hành vi của trẻ.
Giúp trẻ kết thân với bạn bè cùng trang lứa
Kết bạn là một kỹ năng đòi hỏi nhiều năm trời rèn luyện. Trẻ lớn lên trong môi trường tiếp xúc
nhiều với trẻ khác và ra ngoài chơi nhiều sẽ dễ dàng kết thân với những bạn bè đồng trang lứa
cũng ngây thơ như chúng, ích kỷ như chúng và khao khát kết bạn như chúng. Điều đó đồng
nghĩa là phải tạo điều kiện cho con có nhiều dịp vui chơi. Đồng thời, cũng nên cho con tiếp xúc
với nhiều nhóm trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Nhưng hãy để ý xem con bạn có thể xử trí được
đến mức nào trong cùng một thời điểm. Các trải nghiệm xã hội cần phải được điều chỉnh cho
phù hợp với khí chất của từng cá thể.
Suy đoán cảm nhận của người khác
Trước mặt con, hãy thử “đọc suy nghĩ” của những người khác trong các tình huống hàng ngày.
Bạn có thể hỏi tại sao người xếp hàng sau bạn ở tiệm tạp hóa lại kém kiên nhẫn đến thế hay
người lạ đang nói chuyện điện thoại kia cười phá lên là vì câu đùa gì thế. Đó là một cách tự
nhiên để rèn luyện việc nhìn nhận quan điểm của người khác – nền tảng của sự thấu cảm.
Đọc cùng nhau