nghỉ ốm chứ đừng nói là một kỳ nghỉ nào, và nó đòi hỏi bạn phải túc trực 24h một ngày, 7 ngày
một tuần, không có nghỉ đêm và không có cuối tuần. Làm xong phận sự này rất có thể sẽ biến
bạn thành một kẻ âu lo, bồn chồn mãn tính. Thế nhưng mỗi ngày, vẫn có hàng nghìn người
hăm hở nhận công việc ấy. Ắt hẳn phải có nguyên do gì hấp dẫn họ chứ.
TỒN TẠI, TRƯỚC NHẤT VÀ TRÊN HẾT
Tất nhiên, có chứ. Nhiệm vụ chủ yếu của não bộ – dù là của bạn, của tôi hay của những đứa trẻ
đáng yêu đến vô hạn của bạn – chính là giúp cơ thể tồn tại. Còn nguyên nhân tồn tại thì xưa
như trái đất nhưng cũng mới như cụm từ “tin nhắn kích dục”: để truyền lại nguồn gene của
mình cho thế hệ tiếp theo. Liệu một người có sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để đảm bảo
sự tồn vong của nguồn gene gia đình anh ta cho thế hệ tiếp theo không? Hẳn là có. Đã có quá
nhiều người làm việc ấy từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước, nhờ vậy chúng ta mới trưởng
thành, chiếm lĩnh hoang mạc Serengenti, và rồi thống trị toàn thế giới. Chăm sóc một đứa trẻ
chính là một cách thức tinh vi để chăm sóc chính bản thân mình.
Nhưng tại sao việc này lại cần nhiều thời gian, nỗ lực đến vậy?
Tất cả tội nợ là do những bộ não to đùng, béo ị, nặng trịch và một-mình-một-kiểu mà ra cả.
Con người chúng ta đã tiến hóa để có được não bộ cỡ lớn cùng chỉ số thông minh (IQ) cao hơn,
điều này cho phép chúng ta chuyển từ vị thế con mồi cho loài báo thành những người có đầy
học hàm học vị chỉ trong vòng mười triệu năm ngắn ngủi. Chúng ta có được bộ não ấy là nhờ
biết tiết kiệm năng lượng bằng cách đi trên hai chân thay vì bốn chân. Nhưng cũng chính việc
đi thẳng người này lại dẫn đến việc thu hẹp khung xương chậu của người tinh khôn. Đối với nữ
giới, điều này đồng nghĩa với những cuộc sinh nở đau đớn trần ai và nguy hiểm chết người.
Một cuộc chạy đua vũ trang gấp rút tiến hành – như cách các nhà sinh học tiến hóa ví von –
giữa bề rộng của âm đạo và kích cỡ não bộ. Nếu đầu của trẻ sơ sinh quá nhỏ, trẻ sẽ tử vong
ngay (nếu không có can thiệp y học vượt trội và kịp thời, trẻ sinh thiếu tháng sẽ không sống
nổi quá năm phút). Còn nếu đầu trẻ sơ sinh quá lớn, bà mẹ sẽ tử vong. Giải pháp là gì? Phải cho
đứa trẻ chào đời trước khi hộp sọ của nó lớn đến mức giết chết bà mẹ. Hậu quả ra sao? Là đẩy
đứa trẻ vào cuộc đời này trước khi não bộ của nó phát triển đầy đủ. Hậu quả thế nào? Bắt buộc
phải có mẹ cha dưỡng dục.
Giống như chiếc bánh bị ép đưa ra khỏi lò nướng trước khi chín hẳn, đứa trẻ cần được chỉ dẫn
từ những người sở hữu các bộ não kỳ cựu trong nhiều năm ròng. Những người ruột thịt thân
thích chính là người đảm nhiệm công việc này, vì chính họ đã đưa đứa trẻ xuất hiện trên cõi
đời. Không cần đến những cuốn sách chuyên sâu về thuyết tiến hóa Darwin mới lý giải thuyết
phục về tập tính làm cha mẹ.
Đó không phải là toàn bộ bí ẩn đằng sau việc làm cha mẹ, nhưng nó đã góp phần nhấn mạnh
thêm tầm quan trọng của công việc này. Chúng ta tồn tại bởi các vị tiền bối đã đảm nhiệm xuất
sắc vai trò hướng dẫn, chăm bẵm những đứa con, đứa cháu trứng nước, hay khóc gào và dễ bị
tổn thương như chúng ta khôn lớn nên người. Và chúng ta lại không có quyền lựa chọn gì trong
vấn đề này hết. Đơn giản là vì não bộ của một đứa trẻ chưa sẵn sàng để chống chọi với cuộc
đời.
Rõ ràng, thời thơ ấu là quãng thời gian dễ tổn thương. Khoảng thời gian mười năm kể từ thời
điểm đứa trẻ chào đời cho đến khi có khả năng sinh sản – chừng ấy thời gian với một số loài có
thể bằng cả một vòng đời. Sự chênh lệch này không chỉ thể hiện não bộ trẻ non nớt đến chừng
nào, mà còn cho thấy nhu cầu tất yếu cần dưỡng dục ân cần. Những bậc ông bà, cha mẹ hình
thành được mối quan hệ dưỡng dục đầy bảo bọc và liên tục với con cháu mình luôn có được ưu
thế rõ rệt so với những người không thể hoặc không chịu làm việc đó. Trên thực tế, một số nhà
lý thuyết tiến hóa tin rằng ngôn ngữ phát triển hết sức phong phú, nhờ vậy, việc dạy dỗ giữa
cha mẹ với con cái này có thể diễn ra với mức độ sâu sắc và tính hiệu quả lớn hơn nhiều. Mối
quan hệ giữa những người lớn luôn đóng vai trò căn cốt – và đến giờ vẫn vậy, bất kể chúng ta