điểm kém thế này?” Thằng bé nhìn bố và đáp: “Vậy bố giải thích hộ con: Thế là tại di truyền
hay là tại dạy dỗ?”
Có lần, tôi cùng cậu con trai lớp ba tham dự hội chợ khoa học trường rất sôi nổi. Hai bố con
dạo một vòng xem công trình của vài bạn học lớp thằng bé, trong đó có một thí nghiệm xoay
quanh hạt giống, đất trồng và biểu đồ sinh trưởng. Một cô trò nhỏ hăng hái giải thích thí
nghiệm cho chúng tôi: cùng loại hạt giống, nhưng một hạt được trồng vào lớp đất giàu dinh
dưỡng và tưới nước cẩn thận, còn hạt kia được gieo vào lớp đất cằn, và cũng được tưới tắm cẩn
thận. Sau một thời gian, hạt giống trong lớp đất tốt nảy ra một cái cây tươi tốt, mà em đã hãnh
diện cho phép tôi được nâng trên tay. Còn hạt giống gieo vào đất cằn cỗi chỉ nảy ra một cái cây
còi cọc, héo úa. Em cũng để tôi nâng cây đó lên. Kết luận của em là bản thân hạt giống mang lại
những cơ hội sinh trưởng tương đương cho cả hai cây, nhưng khởi đầu ngang bằng là chưa đủ.
“Chú sẽ cần cả hạt giống và đất trồng,” cô học trò nhỏ giải thích với tôi – bản chất tự nhiên tốt
còn phải được nuôi nấng dạy dỗ tốt – thì mới cho kết quả mong muốn.
Đương nhiên, em nói đúng, và đó là một ẩn dụ xuyên suốt cuốn sách để phân chia các nghiên
cứu cách nuôi dạy trẻ thông minh và hạnh phúc. Có một số yếu tố các ông bố bà mẹ có thể
kiểm soát, số khác thì không. Có hạt giống, và có cả đất trồng. Dù bạn có cố công dạy dỗ thế nào
đi chăng nữa cũng không thể thay đổi một thực tế là 50% khả năng thành công của con bạn
phụ thuộc vào nguồn gốc di truyền. Tin tốt là: là cha mẹ, bạn chỉ cần gắng hết sức mình. Nghĩa
là thế nào? Dù có là một nhà nghiên cứu di truyền học chuyên ngành, nhưng tôi dám khẳng
định rằng chúng ta có thể gây ảnh hưởng lên lối hành xử của con mình nhiều hơn chúng ta
tưởng. Đó là một công việc rất, rất lớn đòi hỏi nhiều hành động thực tế. Lý do xuất phát từ căn
nguyên tiến hóa sâu xa.
VÌ SAO CHÚNG TA VẪN CẦN MẸ CHA DƯỠNG DỤC?
Có một câu hỏi đã khiến không biết bao nhiêu nhà khoa học tiến hóa phải bận tâm: vì lẽ gì việc
nuôi nấng một đứa trẻ lại mất nhiều tháng năm đến vậy? Trừ loài cá voi, con người chúng ta là
loài động vật có thời thơ ấu dài nhất hành tinh. Cuộc sống “mẹ gà ấp ủ” kéo dài hàng thập niên
này có căn nguyên từ đâu, và tại sao những loài động vật khác không đồng cảnh ngộ với chúng
ta, không phải chịu những gì chúng ta phải nếm trải? Dưới đây là vài ví dụ điển hình về thứ mà
các ông bố bà mẹ loài người phải chịu đựng:
Tôi thấy kiệt sức. Thằng bé đùn ra tã ngay lúc tôi vừa nhấc nó ra khỏi bô, nó nôn lên thảm, lật
úp cái bô và rồi làm vãi nước tè ra thảm, rồi nó lại tè ra thảm LẦN NỮA lúc tắm. Tôi thấy quá
sức lắm rồi và cảm giác như mình không thể gánh cái việc làm mẹ này thêm nữa, và rồi nhận ra
rằng – mình vẫn đang làm những việc ấy đấy chứ…
Cả tôi và chồng tôi đều có vốn từ phong phú và luôn chọn lọc. Chúng tôi không bao giờ văng
bậy trước mặt con gái yêu, và luôn gắng chọn từ ngữ của mình lúc ở gần nó, nhưng rõ ràng là
chúng tôi thất bại thảm hại—Khi mẹ tôi hỏi con bé rằng tên trìu mến ở nhà của nó là gì, nó đáp
là “Của nợ”. Ối giời ơi!
Đúng, bạn phải dạy cho con mình mọi thứ – kể cả cách điều tiết việc bài tiết của cơ thể chúng.
Và chúng hấp thu mọi thứ như một miếng bọt biển, đồng nghĩa với việc bạn phải chú ý từng li
từng tí tới những hành vi nhỏ nhặt nhất của mình. Cả hai việc đòi hỏi nguồn năng lượng cực kỳ
dồi dào. Thế nên, các nhà sinh học tiến hóa buộc phải tự hỏi rằng: tại sao con người vẫn tự
nguyện tự giác gánh vác chuỗi công việc mệt nhọc này?
Hẳn nhiên, khâu phỏng vấn tuyển dụng, tức là chỉ xét riêng hành động quan hệ tình dục – luôn
tạo hứng thú. Nhưng rồi, bạn sẽ được ấn vào vị trí nuôi dạy một đứa trẻ. Có những khoảnh
khắc thật tuyệt diệu, nhưng cốt lõi của bản hợp đồng này thì quá ư đơn giản: trẻ nhận, bạn cho.
Bạn không nhận được một xu lương cho công việc này, mà chỉ có tờ yêu cầu thanh toán, và
luôn luôn phải chuẩn bị tinh thần đón những cú sốc khó đỡ. Bạn sẽ tiêu tốn trên 220 nghìn đô-
la – mà đấy là chưa tính đến khoản vay đại học. Nghề này còn không được hưởng lấy một ngày