loài người. Ốm nghén, có thể kéo dài cả tháng trời (thậm chí là hết cả thai kỳ đối với một số
phụ nữ), khiến cho thai phụ phải gắn chặt với một chế độ ăn uống đơn điệu, nhạt nhẽo – kể cả
cô ấy có ăn được nhiều đi chăng nữa. Ắt hẳn chính những cơn ốm nghén này đã giúp các thai
phụ tiền bối tránh được các độc tố tự nhiên trong thức ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên hoang
dã, một thứ thực đơn ăn uống không qua kiểm soát của kỷ Pleistocene. Trạng thái mỏi mệt đi
kèm cũng sẽ ngăn thai phụ tham gia các vận động có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến thai nhi.
Các nhà nghiên cứu giờ đây cũng cho rằng việc đó giúp cho em bé thông minh hơn.
Một nghiên cứu đã theo sát nhóm trẻ có bà mẹ phải chịu các cơn buồn nôn và ói mửa trong
thai kỳ. Khi bọn trẻ đến tuổi tới trường, 21% trong số đó đạt 130 điểm IQ, mức được coi là tài
năng. Còn với trường hợp các bà mẹ không bị ốm nghén, chỉ 7% trẻ đạt thành tích cao như vậy.
Các nhà nghiên cứu có hẳn một lý thuyết – vẫn còn đang trong giai đoạn chứng minh – xung
quanh nguyên do tại sao. Hai hóc môn kích thích thai phụ ói mửa có thể đóng vai trò như chất
dưỡng thần kinh cho não bộ đang kỳ phát triển. Càng ói mửa nhiều, chất dưỡng càng nhiều; và
qua đó, tác dụng lớn hơn với IQ. Bất kể lý do gì, dường như đứa trẻ sẽ làm mọi cách để bắt bạn
phải để chúng được yên thân.
Chúng ta giỏi việc “để cho trẻ được yên thân” tới đâu – thời kỳ này hoặc bất cứ giai đoạn nào
khác trong bụng mẹ? Không giỏi cho lắm. Hầu hết các bậc cha mẹ đều sôi sục quyết tâm làm gì
đó để giúp trẻ, đặc biệt là luyện trí não. Ngành công nghiệp đồ chơi rất thính nhạy và đánh
trúng tâm lý của các ông bố bà mẹ sốt ruột này với chiến lược duy nhất – tôi cam đoan – là trục
lợi từ nỗi sợ hãi của những bậc cha mẹ thiện chí. Chú ý này, tôi sắp sửa giúp bạn tiết kiệm cả
đống tiền đây.
THẦN KỲ: “ĐIỆN ĐÀM VỚI THAI NHI”
Vài năm trước, khi dạo trong một cửa hàng đồ chơi, tôi tình cờ bắt gặp tờ quảng cáo DVD thiết
kế riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, gọi là Thần đồng (Baby Prodigy). Tờ rơi này
nói: “Bạn có biết bạn hoàn toàn có thể giúp tăng cường quá trình phát triển trí não bé con? Ba
mươi tuần đầu tiên của sự sống là giai đoạn mà não trẻ trải qua những giai đoạn tiến hóa then
chốt nhất… Cùng chung sức, ta có thể giúp cho con yêu của bạn trở thành Thần đồng!” Đọc
xong tôi giận sôi lên và giật phắt tờ rơi ấy ném ngay vào sọt rác.
Mớ lý thuyết lệch lạc này đã có cả một lịch sử lâu đời. Cuối thập niên 1970, Viện đại học Tiền
sinh nở đã được lập ra tự xưng là sẽ đẩy mạnh khả năng chú ý, hiệu quả nhận thức và vốn từ
vựng của trẻ, tất cả, trước khi trẻ chào đời. Đứa trẻ còn nhận được hẳn một tấm bằng tuyên bố
em là “Trẻ em Siêu việt” sau khi ra đời nữa kia. Đến thập niên 1980 lại là thời hoàng kim của
Pregaphone, một hệ thống phễu và loa được ca tụng rầm rĩ, được thiết kế để ấn vào bụng của
thai phụ giọng nói của bà mẹ, nhạc cổ điển hay bất cứ thứ âm thanh thời thượng nào hòng
nâng cao IQ của trẻ. Hàng loạt sản phẩm tương tự cũng thi nhau nối gót ra đời, với những chiêu
quảng cáo cường điệu như là: “Hãy dạy bé đánh vần từ trong bụng mẹ!”, “Hãy dạy con ngôn
ngữ thứ hai trước khi chào đời!”, “Nâng cao điểm số môn toán của trẻ nhờ vào nhạc cổ điển!”
Nhạc Mozart thậm chí đã tạo nên cơn sốt, đến nỗi cho đến giờ bạn vẫn có thể còn nghe nói đến
Hiệu ứng Mozart. Mọi thứ cũng chẳng sáng sủa hơn chút nào vào thập niên 1990. Các cuốn
sách xuất bản trong thập kỷ này tích cực liệt kê những hoạt động hằng ngày dành cho các cặp
vợ chồng sắp chào đón đứa con, với lời tuyên bố sẽ “nâng cao IQ của trẻ thêm 20 đến 30 điểm”
và tăng cường khả năng chú ý của trẻ thêm “từ 10 đến 45 phút”.
Ngày nay, chỉ cần bước vào một cửa hàng đồ chơi bất kỳ, bạn chắc chắn sẽ tìm ra ngay những
sản phẩm đưa ra những tuyên bố tương tự. Hầu như không một lời khẳng định nào trong số
này được kiểm nghiệm qua kinh nghiệm bản thân, nói gì đến các nghiên cứu khoa học của các
chuyên gia trong ngành.
Cho nên hãy cho ngay tờ rơi ấy vào thùng rác.
Tin hay không, thì thực tế là không một thương phẩm nào từng được trưng ra theo cung cách