LỜI GIỚI THIỆU
Cứ mỗi lần giảng về sự phát triển của não bộ trẻ em cho các ông bố bà mẹ tương lai, tôi lại mắc
sai lầm. Tôi vẫn ngỡ là các bậc cha mẹ mong chờ được nghe những chỉ dẫn khoa học, lôi cuốn
về não bộ trong tử cung – nào là bản chất sinh học của mào thần kinh , nào là di trú sợi trục …
Nhưng đến phần hỏi đáp ngay sau mỗi buổi giảng, trăm lần như một, luôn là 5 câu hỏi. “Con tôi
có thể học được những gì khi còn nằm trong bụng mẹ?” “Con cái sẽ ảnh hưởng thế nào đến
cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi?” “Làm thế nào để đảm bảo là con gái bé bỏng của tôi được
hạnh phúc đây?” (Những nỗi lo điển hình của các bà mẹ) “Tôi nên dạy dỗ thế nào để con tôi
vào được trường Harvard?” (Thường là bận tâm của các ông bố) “Làm thế nào để nuôi dạy
cháu tôi cho tử tế?” Đôi khi tôi bắt gặp câu hỏi này từ những người bà mệt mỏi phải gánh hộ cô
con gái nghiện ma túy trách nhiệm làm cha làm mẹ. Bà không muốn tình trạng tương tự lặp lại.
Tôi hoài công lèo lái cuộc đối thoại sang địa hạt đặc thù của những sai biệt thần kinh, rốt cuộc
các vị phụ huynh vẫn cứ xoay cuộc nói chuyện quanh năm câu hỏi này – hết lần này tới lần
khác. Cuối cùng, tôi vỡ lẽ. Tôi cứ chăm chăm diễn giải cho các vị phụ huynh thấy các vấn đề y
học chuyên sâu, trong khi họ chỉ cần những điều thiết thực mà thôi. Vậy nên, cuốn sách này sẽ
không dính dáng gì đến bản chất của sự điều chỉnh gene trong quá trình phát triển não bộ.
Thay vào đó, Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc sẽ được dẫn dắt bởi chính những
câu hỏi thực tế mà các thính giả của tôi không ngừng nêu ra.
“Quy luật Trí não” là cách gọi những gì chúng ta vẫn hiểu rõ xung quanh cách thức hoạt động
của não bộ giai đoạn vài năm đầu đời của trẻ. Mỗi điều ấy lại được khai thác từ những vỉa kiến
thức chuyên ngành lớn hơn, nào tâm lý học hành vi, sinh học tế bào và sinh học phân tử. Mỗi
phần được lựa chọn dựa vào tác dụng hỗ trợ cho các vị lần đầu làm cha, làm mẹ trong việc
gánh vác một nhiệm vụ muôn phần gian nan – chăm sóc cho một đứa trẻ bé bỏng.
Hiển nhiên là tôi hiểu nhu cầu có được những câu trả lời bức thiết đến nhường nào. Việc đón
đứa con đầu lòng có thể ví như làm một ly chuếnh choáng hỗn hợp nửa mừng nửa khiếp hãi,
gắn kèm cả mớ những biến đổi chưa ai từng nói cho bạn biết bao giờ. Chính tôi đã được nếm
trải cảm xúc này: tôi có hai cậu con trai, cả hai đứa đặt ra cả tá những câu hỏi hóc búa, rồi
chuyện phải hành xử ra làm sao, mà không có bất kỳ chỉ dẫn nào. Tôi sớm nhận ra rằng mọi sự
chẳng phải chỉ có vậy. Những đứa trẻ tiềm ẩn sức hút mạnh như lực hấp dẫn, có thể làm dấy lên
trong tôi cả những tình cảm mãnh liệt và sự gắn bó bền vững. Chúng còn hút như nam châm:
tôi không thể cưỡng lại mong muốn ngắm nghía những chiếc móng tay toàn mỹ không tì vết,
đôi mắt trong veo và cả những món tóc gây cảm xúc vô bờ. Đến khi đứa con thứ của tôi ra đời,
tôi mới hiểu rằng hóa ra có thể san sẻ tình yêu đến mức vô tận mà không cần giảm bớt. Riêng
với chuyện làm cha mẹ, “nhân lên bằng cách chia ra” hóa ra là việc hoàn toàn có thể.
Là một nhà khoa học, tôi biết rõ là việc quan sát quá trình phát triển của trí não trẻ nhỏ mang
lại cảm giác như thể ngồi ở hàng ghế đầu mà chứng kiến một Vụ Nổ Lớn trong lĩnh vực sinh
học vậy. Não bộ khởi đầu chỉ từ một tế bào đơn lẻ trong tử cung, khẽ khàng như một bí mật.
Trong vỏn vẹn vài tuần, các tế bào thần kinh đã sinh sôi với tốc độ đáng kinh ngạc – 8.000 tế
bào/giây. Và chỉ trong vài tháng, nó đã bước vào quá trình hình thành nên cỗ máy tư duy tinh
xảo nhất thế gian. Những bí ẩn này không chỉ tăng thêm sự ngỡ ngàng và tình thương yêu, mà
với một ông bố “mới tò te” như tôi là cả nỗi âu lo và rất nhiều thắc mắc.
NHAN NHẢN CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG
Các bậc cha mẹ cần cơ sở khoa học xác thực về việc nuôi dạy con cái, chứ không chỉ là lời
khuyên răn thuần túy. Bất hạnh thay, tìm những thông tin xác thực như thế trong núi cẩm nang
nuôi dạy hiện nay chẳng khác gì mò kim đáy bể. Nào sách vở, blog. Nào bảng thông tin, file âm
thanh, nào “kinh nghiệm sống” được truyền lại từ các bà mẹ chồng và họ hàng thân thích – bất