trường danh tiếng nào đó, tốt hơn hết hãy tán thưởng nỗ lực của trẻ thì hơn.
Chuyện hoang đường: Kiểu gì trẻ cũng tự tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.
Sự thực: Nhân tố hứa hẹn tuyệt vời nhất của hạnh phúc chính là việc kết bạn. Làm thế nào để
trẻ dễ kết giao và giữ gìn bè bạn? Câu trả lời là hãy rèn cho trẻ thành thạo việc giao tiếp phi
ngôn từ (xem thêm Kết tình bằng hữu như thế nào trang 250). Kỹ năng này có thể mài giũa
được. Việc học một nhạc cụ sẽ tăng cường khả năng này thêm tới 50%. Còn việc gửi tin nhắn sẽ
hủy hoại nó.
Những nghiên cứu dạng này vẫn liên tục được công bố trên các chuyên san khoa học uy tín.
Thế nhưng, trừ phi bạn là độc giả thường xuyên của Chuyên san Tâm lý Trẻ em Thực nghiệm,
còn thường thì bạn rất dễ bỏ qua những khám phá khoa học giá trị nhưng khô khan này. Chính
vì vậy, cuốn sách này sẽ cố gắng truyền tải một cách dễ hiểu nhất những kiến thức khoa học
mà bạn chẳng cần phải có bằng Tiến sĩ mới có thể hiểu được.
NHỮNG GÌ NẰM NGOÀI KHẢ NĂNG CỦA KHOA HỌC NÃO BỘ
Sở dĩ sách dạy làm cha mẹ cứ mỗi cuốn một phách, trăm hoa đua nở như vậy là vì thực sự vẫn
chưa có một bộ lọc khoa học nào đủ mạnh. Ngay chính các chuyên gia cũng khó nhất trí được
về chuyện “làm thế nào để dỗ con bạn ngủ ngon giấc cả đêm?” Không thể tưởng tượng nổi có
công việc nào dễ vỡ mộng hơn thế đối với những người mới lần đầu làm cha mẹ.
Điều này chỉ càng nhấn mạnh một thực tế rằng khoa học não bộ không thể giải quyết mọi tình
huống nuôi dạy con cái. Nó chỉ có thể cung cấp các quy tắc tổng quát, nhưng không phải là luôn
đúng khi áp vào từng tình huống cụ thể. Lấy ví dụ chuyện của vị phụ huynh sau đây, đăng trên
trang TruuConfessions.com (một nguồn tôi trích dẫn xuyên suốt cuốn sách này):
Hồi đêm, tôi đã dỡ phăng cánh cửa phòng cậu quý tử. Không mắng mỏ thét gào gì hết. Tôi đã
cảnh cáo rằng con đừng có đóng sập cửa lại, nếu còn tái phạm, mẹ sẽ dỡ cửa ngay. Thế mà vừa
quay đi, tôi đã thấy cửa lại đóng kín mít, tôi liền quay lại với cái khoan siêu mạnh, cánh cửa
được tống thẳng ra nhà xe ngay trong đêm. Hôm nay tôi đã lắp lại, nhưng sẽ dỡ xuống ngay
nếu cần. Thằng bé biết là tôi không đùa.
Khoa học não bộ có can thiệp nổi trong trường hợp này? Chưa chắc. Nghiên cứu khoa học chỉ
ra rằng các bậc cha mẹ phải đưa ra luật lệ rõ ràng và hình phạt nếu con vi phạm. Thế nhưng
luật lệ lại không thể nói rõ là nên dỡ phăng cánh cửa ra hay không. Thực tế là, chúng ta cũng chỉ
mới bắt đầu mang máng hiểu rằng dạy dỗ con cái đúng cách là thế nào. Những nghiên cứu về
nuôi dạy con cái rất khó thực hiện, bởi bốn nguyên nhân sau:
Mỗi bộ não được tổ chức theo một kiểu. Vì thế hai đứa trẻ khác nhau sẽ không đời nào hành xử
giống hệt nhau trong cùng một tình huống. Vậy nên không tồn tại cái gọi là lời khuyên dạy con
phù hợp với mọi bậc cha mẹ. Vì mỗi đứa một kiểu như vậy, tôi khẩn thiết kêu gọi các vị phụ
huynh hãy gắng hiểu lấy con mình. Thế có nghĩa là hãy dành thật nhiều thời gian cho chúng.
Hiểu được cách trẻ hành xử và quan sát lối cư xử của chúng thay đổi thế nào theo thời gian là
cách duy nhất khám phá xem điều gì sẽ hiệu quả hay vô ích trong quá trình nuôi dạy chúng.
Đứng từ quan điểm của một nhà nghiên cứu, quả là thất vọng vì não bộ chịu sự chi phối mạnh
của ngoại cảnh: sự khác biệt về văn hóa, cộng thêm tính phức tạp của mỗi cá nhân, chưa kể
mỗi người lại có một hệ thống giá trị riêng. Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của
não bộ. Nhưng đứng đầu bảng, phải kể đến hoàn cảnh gia đình. Những gia đình bần hàn phải
đối mặt với những vấn đề rất khác so với các gia đình trung-thượng lưu (hoàn cảnh gia đình có
thể ảnh hưởng tới Chỉ số Thông minh). Chẳng trách não bộ lại là một đối tượng khó nghiên cứu
đến vậy.
Trẻ được nuôi trong gia đình đầy đủ cha mẹ phải đối phó với không chỉ một, mà là hai phong