cảm trên mặt chủ yếu dựa trên những tập tục văn hóa). Thứ hai, thứ kiểm soát có ý thức mà
chúng ta áp dụng lên các cơ mặt của mình cũng chỉ có hạn, đồng nghĩa với việc chúng ta đã đưa
ra rất nhiều thông tin tự do. Lấy thí dụ, các cơ quanh mắt không nằm dưới sự kiểm soát có ý
thức. Đây có thể là lý do tại sao chúng ta có xu hướng tin vào đôi mắt nhiều hơn.
Một trong những cuốn băng ghi hình trong nghiên cứu của Ekman thể hiện pha tương tác giữa
một bác sĩ tâm thần và Jane, một bệnh nhân rối loạn rất nặng của ông. Jane bị tổn thương do
trầm uất nghiêm trọng đến mức cô phải nhập viện và đặt trong tình trạng theo dõi thường
xuyên để ngăn ngừa việc cô tự sát. Đến lúc cô bắt đầu thể hiện những dấu hiệu cải thiện tình
trạng thực sự, cô nài nỉ bác sĩ cho phép mình về nhà dịp cuối tuần. Chiếc máy quay đưa cận
mặt Jane, tràn màn hình, khi bác sĩ đồng ý cho cô rời khỏi viện. Khi Ekman cho băng chạy chậm
lại, một tia tuyệt vọng rất sâu đột ngột lóe lên trên gương mặt Jane. Dường như cô không thể
kiểm soát nổi nó. Hóa ra Jane đã dự tính sẽ tự sát khi trở về nhà, mà ơn trời, cô đã kịp thú nhận
trước khi được thả cho về. Ekman cũng sử dụng cuốn băng để huấn luyện các nhân viên cảnh
sát cũng và cả các chuyên gia sức khỏe thần kinh. Ông ngừng cuốn băng lại và hỏi các học viên
của mình xem họ có thấy tia tuyệt vọng lóe lên đó không, chừng năm giây đồng hồ. Khi họ biết
mình cần tìm kiếm thứ gì, họ có thể nhìn thấy được.
Những tia lóe lên này được gọi là “biểu hiện tinh tế”, những biểu hiện trên gương mặt chỉ kéo
dài chừng vài phần của giây nhưng lại có xu hướng hé lộ những cảm xúc chân thực nhất của
chúng ta, phản ứng lại trước những nghi ngại nhanh như điện xẹt. Ekman khám phá ra rằng
một số người có thể phát hiện và diễn giải những biểu hiện tinh tế này tốt hơn người khác. Con
người ta vờ vĩnh rất nhiều, và những người có thể bắt được các biểu hiện tinh tế thì rất thạo
việc phát hiện ra sự dối trá. (Bộ phim truyền hình Lie to Me cũng được xây dựng dựa trên tiền
đề này.) Ekman phát hiện ra rằng ông có thể huấn luyện cho người khác đọc những biểu hiện
tinh tế này, tăng cường năng lực nắm bắt các manh mối phi ngôn từ.
Chứng mù gương mặt
Vì đâu chúng ta có thể khẳng định rằng khả năng đọc được khuôn mặt là rất quan trọng? Một
phần bởi não bộ cống hiến một phần lớn “của cải” tế bào thần kinh, bao gồm cả một khu vực
rất thiết yếu có tên gọi “hồi hình thoi” cho một nhiệm vụ duy nhất là xử lý dữ liệu các gương
mặt. Diện tích khu thần kinh với kích thước chừng này là rất đắt đỏ; bộ não sẽ không rào một
vùng để phục cho một chức năng đơn nhất như thế trừ phi nó phải có một lý do thực sự thuyết
phục.
Chúng ta biết rằng bộ não có riêng các khu vực chuyên biệt để nhận diện gương mặt vì một
người có thể bị tổn thương khu vực này và đánh mất khả năng nhận diện ra chủ nhân của các
gương mặt đó. Tình trạng rối loạn này được gọi là chứng mất nhận thức, hay “mù gương mặt”.
Phụ huynh của các trẻ mắc chứng mù gương mặt sẽ phải cung cấp cho các em những chỉ dẫn
đại loại như “Con nhớ nhé, Drew là bạn mặc áo sơ mi màu cam; còn Madison thì mặc váy màu
đỏ.” Nếu không, trẻ sẽ không còn phân biệt được các trẻ khác đang chơi với mình. Mắt của các
em không có vấn đề gì cả, mà là trục trặc ở não bộ.
Thành viên của tập thể
Diễn dịch chính xác cử chỉ và các biểu hiện trên mặt là năng lực được tưởng thưởng cao độ
giữa bình nguyên Serengeti bạo tàn, không thương xót. Đó là bởi sự hợp tác xã hội chính là
một kỹ năng sinh tồn tuyệt vời, cực kỳ hữu ích, bất kể trong trường hợp nào, phải săn đuổi
những con vật to lớn hơn mình hay chỉ là gắng kết thân với hàng xóm láng giềng. Trong số rất
nhiều tài năng thiên bẩm khác, khả năng hợp tác xã hội cho phép người ta làm việc nhóm. Đa
phần các nhà nghiên cứu đều tin rằng khả năng làm việc nhóm tạo điều kiện cho chúng ta vượt
lên khỏi những hạn chế về mặt thể chất khác.
“Đọc vị” các gương mặt hỗ trợ ra sao đối với làm việc theo nhóm? Khả năng phối kết hợp với
nhau trong bối cảnh rủi ro cao đòi hỏi những kiến thức rất thiết thân và liên tục về mục đích và