Bạn có nghe thấy tiếng cười ấy không? Đó là tiếng cười của cậu con trai Noah của tôi, thể hiện
cho ông bố già là tôi đây rằng việc nuôi nấng chủ động và rất “thuận tự nhiên” có vai trò quan
trọng đến thế nào trong việc dạy cho nó biết cách thực hiện một việc thật tuyệt vời, và cũng
thật nhân bản, ấy là học ngôn ngữ.
Mặc dù tiếng nói là một đặc tính độc đáo của con người, nó trú ẩn trong một thế giới bao la của
các hành vi giao tiếp, nhưng rất nhiều phương tiện ấy cũng được các loài động vật khác sử
dụng. Tuy thế, không hẳn là lúc nào tất cả các loài cũng đều phát ra một thông điệp giống nhau,
như những gì cậu bé 2 tuổi dưới đây đã khám phá ra vào một ngày nắng đẹp ở miền Nam
California. Sự nhầm lẫn ấy đã khiến em phải nằm viện suốt một tuần.
Cậu chàng bé bỏng đang đi dạo mát quanh khu lân cận với mẹ. Bà mẹ dừng lại để tán gẫu với
một người bạn. Cậu bé mẫu giáo hiếu động kia thì tản bộ ra một khoảng ngắn ngắn gần đó, đến
sân trước của một nhà láng giềng. Hay, chính xác là sân trước của con chó nòi Doberman nhà
hàng xóm. Không hay biết gì về hành vi xác định lãnh thổ của loài chó, anh chàng 2 tuổi kia
phát hiện ra một đồng xu bé tí sáng bóng trên bãi cỏ nhà hàng xóm và nhao lên để nhặt lấy.
Con chó nhìn chằm chằm vào em bé, cất lên vài tiếng sủa cảnh báo, rồi cúi thấp đầu xuống để
che phần cổ nó, rồi gầm gừ đe dọa. Sững sờ, em bé nhìn lên, và tiếp xúc kiểu mắt-đối-mắt với
con chó. Đó chính là một lời tuyên chiến với loài chó. Kết quả: một tuần nằm trong phòng cấp
cứu. Con chó lao lên tấn công vào cổ họng em bé, và đớp trúng tay. Em bé phải khâu 20 mũi, và
tòa kết án con chó sẽ bị giết. Tuy thế, con chó chỉ đơn thuần hành động dựa trên một phản xạ
hành vi tự nhiên, có liên quan đến phản ứng trước vẻ mặt của một ai đó.
Giao tiếp kiểu mặt-đối-mặt có rất nhiều ý nghĩa trong thế giới loài vật, đa phần không lấy gì
làm hữu hảo. Rút ra thông tin xã hội nào đó bằng cách kiểm nghiệm biểu hiện trên gương mặt
chính là một lát cắt đầy quyền năng của lịch sử tiến hóa của động vật có vú. Nhưng con người
chúng ta sử dụng gương mặt, bao gồm cả giao tiếp mắt-đối-mắt vì rất nhiều nguyên do khác
nhau ngoài việc chuyển tải thông điệp đe dọa. Chúng ta sở hữu hệ thống thông điệp phi ngôn
từ tinh vi nhất trên hành tinh này. Kể từ các em bé trở đi, chúng ta luôn luôn trao đổi các thông
tin xã hội bằng các cử chỉ cơ thể phối hợp với những nụ cười và cả vẻ không tán thành. Kết hợp
với nhau, chúng tạo thành viên bảo ngọc ngự trên khối thông tin ngoại quan – bạn vẫn nhớ
thuật ngữ này chứ? – một cách thức đầy hiệu lực để chuyển tải một quan điểm thật nhanh
chóng.
Mặc dù tồn tại rất nhiều thần thoại bao quanh ý tưởng ngôn ngữ cơ thể (đôi khi người ta bắt
chéo chân và rồi duỗi chân ra đơn giản chỉ vì chân bị mỏi), những phát hiện đích thực vẫn cứ
nổi lên từ nỗ lực nghiên cứu đối tượng này, ít nhiều trong số đó phù hợp với việc dưỡng dục
con cái. Có hai nghiên cứu hấp dẫn hơn hẳn có liên quan đến chủ đề ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ
tương tác ra sao với tiếng nói con người.
Học ngôn ngữ kí hiệu có thể tăng cường nhận thức thêm 50%
Cử chỉ và lời nói sử dụng các mạch thần kinh tương tự nhau trong quá trình chúng phát triển
qua lịch sử tiến hóa loài người. Nhà ngôn ngữ tâm lý David McNeil của Đại học Chicago là
người đầu tiên đề xuất điều này. Ông cho rằng các kỹ năng phi ngôn từ và ngôn từ có thể vẫn
duy trì những mối liên kết bền chắc mặc dù chúng đã rẽ ra thành các trường hành vi khác biệt.
Ông nhận định chính xác. Các nghiên cứu đã khẳng định điều này bằng một phát hiện gây bối
rối: Những người không còn khả năng cử động các chi sau một tổn thương não bộ cũng ngày
càng đánh mất khả năng giao tiếp ngôn từ. Các nghiên cứu về đối tượng trẻ em cũng thể hiện
sự kết hợp trực tiếp tương tự. Giờ đây chúng ta biết rằng trẻ sơ sinh sẽ vẫn chưa thể có được
vốn từ vựng tinh vi cho đến khi việc kiểm soát ngón tay vận động của trẻ được tăng cường. Đó
là một khám phá đáng chú ý. Cử chỉ chính là “những cửa sổ mở ra các quá trình tư duy”,
McNeill nói.
Liệu việc học các cử chỉ vật lý có giúp nâng cao các kỹ năng nhận thức? Một nghiên cứu cho