rằng có thể, mặc dù nó đòi hỏi có sự tham gia của nhiều yếu tố khác nữa. Các em bé với khả
năng thính giác bình thường tham gia một lớp học Ngôn Ngữ Kí Hiệu Mỹ trong vòng 9 tháng
khi mới vào lớp 1, sau đó các em được thực hiện một loạt các bài kiểm tra nhận thức. Kết quả
điểm số về trọng tâm chú ý, các năng lực không gian, trí nhớ và cả thị giác của chúng đều tăng
lên đáng kể – lên tới chừng 50% – so với trước khi được đào tạo.
Trẻ cần đối thoại trực tiếp
Một trong những nhóm cử chỉ quan trọng, bạn có thể đoán ra ngay, chính là biểu hiện trên
khuôn mặt. Các bé rất thích nhìn thẳng vào mặt người. Gương mặt của mẹ là tuyệt nhất –
nhưng nhìn chung, bé thích mặt người hơn so với mặt khỉ, mặt lạc đà không bướu, mặt con
mèo hay chó. Bé kiếm tìm cái gì trên gương mặt bạn? Thông tin cảm xúc. Bạn có vui không?
Hay là buồn thế? Hay đầy đe dọa?
Chúng ta đều dành một lượng lớn thời gian để đọc các gương mặt. Giao tiếp phi ngôn từ của
một người có thể xác nhận giao tiếp ngôn từ của anh ta/ cô ta, làm suy yếu nó, hay thậm chí là
đối lập hoàn toàn. Các mối quan hệ của chúng ta dựa trên năng lực phiên dịch nó. Vậy nên con
người đọc các gương mặt như một phản xạ tự nhiên, và bạn có thể quan sát được điều này, kể
cả từ những tiếng đồng hồ đầu tiên của em bé sau khi chào đời. Kỹ năng này phát triển qua
thời gian, và hành vi tinh tế nhất có thể quan sát được là khi bé năm đến bảy tháng tuổi. Một số
người bẩm sinh đã có ưu thế hơn những người khác. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn cứ bị sai lệch.
Các nhà nghiên cứu gọi đó là Sai lầm Othello.
Trong vở bi kịch của Shakespeare, chàng Othello tin rằng vợ mình đã lừa dối. Othello đang
trong cơn điên cuồng giận dữ khi chàng đối đầu với nàng trong phòng ngủ. Rất tự nhiên, nàng
sợ hãi điếng người. Nhìn thấy gương mặt kinh hoàng của nàng, chàng diễn giải nỗi sợ hãi ấy
thành vẻ tội lỗi, đó là tất cả những manh mối về sự phản bội mà chàng cần có. Trước lúc trừng
phạt nàng, những lời giằng xé yêu-hận trứ danh này đã được thốt ra:
Không, phải cho con ấy rữa nát, tàn lụi và đày nó xuống địa ngục ngay đêm nay, vì nó không
được sống nữa. Không, tim ta đã hóa đá. Ta tự đánh vào tim mà bàn tay ta bị đau. Ôi, trên đời
này không có ai dịu dàng hơn nó: nó đáng được nằm bên cạnh một vị đế vương và ra lệnh cho
ông ấy phải tuân theo.
Giải mã chính xác gương mặt của người khác có thể đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm; và giống
như Othello, người lớn đôi lúc cũng mắc sai lầm. Cách duy nhất để tăng cường độ chính xác ở
đây là tương tác với người khác. Đó là lý do bé sơ sinh cần đến những khoảng thời gian ở bên
cạnh con người bằng-xương-bằng-thịt từ những năm đầu đời. Không phải thời gian với máy
tính. Không phải thời gian với ti vi. Não bộ của bé cần đến sự tương tác với bạn, một cách trực
tiếp, riêng tư, nhất quán.
Hoặc như thế, hoặc bằng cách được nhà tâm lý ngôn ngữ Paul Ekman huấn luyện..
Một gương mặt nói lên những gì
Paul Ekman, giáo sư danh dự của Đại học California – Sanfrancisco rất hiếm khi diễn giải sai
gương mặt của người khác. Ông đã lập danh mục hơn 10.000 kiểu kết hợp các trạng thái biểu
hiện khác nhau trên gương mặt, sáng tạo nên một bản liệt kê gọi tên là Hệ thống Mã hóa Hoạt
động Cơ mặt (FACS). Công cụ nghiên cứu này cho phép một người quan sát đã qua đào tạo có
thể mổ xẻ được một biểu hiện nào đó dựa trên hoạt động của các cơ sản sinh ra nó.
Sử dụng những công cụ này, Ekman đã phát hiện ra một vài điều đáng ngạc nhiên xung quanh
nhận thức gương mặt con người. Trước hết, con người trên khắp thế giới đều thể hiện những
trạng thái tình cảm như nhau, sử dụng các cơ mặt như nhau. Những trạng thái cảm xúc cơ bản
mang tính phổ quát này là vui vẻ, buồn rầu, ngạc nhiên, ghê tởm, giận dữ và sợ hãi. (Thoạt đầu,
phát hiện này thực sự gây sửng sốt; nghiên cứu vào thời điểm đó phác nên các biểu hiện tình