bàn thay tã ấy – hay trong trí não của bất cứ em bé nào khác, khi ngôn ngữ bỗng nhiên rạng
bừng lên như buổi bình minh rực rỡ? Chúng ta không thực sự hiểu được. Có biết bao nhiêu học
thuyết nhan nhản khắp nơi xung quanh chủ đề chúng ta có được ngôn ngữ ra sao. Nhà ngôn
ngữ học trứ danh Noam Chomsky tin rằng chúng ta đã sinh ra với phần mềm ngôn ngữ cài đặt
sẵn trong đầu óc mình, một gói trọn vẹn mà ông gọi tên là ngữ pháp phổ quát.
Khi ngôn ngữ bắt đầu vận hành, nó có xu hướng phát triển nhanh chóng. Chỉ trong vòng một
năm rưỡi, hầu hết trẻ em đều có thể phát âm tới 50 từ và hiểu được chừng hơn 150 từ. Con số
ấy bung ra thành 1 nghìn từ vào thời điểm 36 tháng, và, trước 6 tuổi thì đã là 6 nghìn từ. Tính
từ thời điểm chào đời, chúng ta có thêm các từ mới với tốc độ 3 từ một ngày. Kế hoạch này
phải mất một thời gian dài mới kết thúc. Để nói thành thạo, với tiếng Anh, mỗi người cần
thông thạo khoảng 50 nghìn từ, chưa bao gồm thành ngữ và ngữ cố định. Ấy là một thứ phức
tạp cực kỳ. Ngoài từ vựng, trẻ còn phải học cả âm vị và ý nghĩa xã hội của từ.
Trẻ nhỏ lần theo những đặc tính này của ngôn ngữ bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ đến kinh ngạc. Ngay
từ thời điểm chào đời, bé sơ sinh đã có thể phân biệt âm thanh của tất cả các ngôn ngữ từng
được phát minh. Giáo sư Patricia Kuhl, giám đốc Học viện Nghiên cứu Khoa học Não bộ tại Đại
học Washington đã khám phá ra hiện tượng này. Bà gọi các em bé ở tuổi này là “công dân thế
giới”. Chomsky thì diễn đạt theo lối này: Chúng ta không sinh ra với khả năng nói một ngôn
ngữ chuyên biệt nào đó. Chúng ta sinh ra với khả năng nói bất cứ ngôn ngữ nào.
Công dân thế giới trở thành công dân một quốc gia
Thật không may, mọi thứ không như thế mãi được. Đến sinh nhật tròn một tuổi của bé – Kuhl
phát hiện ra, các em không còn có khả năng phân biệt âm thanh của mọi ngôn ngữ trên hành
tinh được nữa. Các em chỉ có thể phân biệt được giữa người nói ngôn ngữ các em nghe thấy
được trong vòng sáu tháng trở lại. Một em bé Nhật Bản chưa bao giờ được nghe thấy hai từ
“hồ” và “đồ” trong thời gian 7 đến 12 tháng tuổi thì đến khi tròn 1 tuổi, em sẽ không thể phân
biệt được hai âm thanh này. Lúc nào cũng vậy, sẽ vẫn có những biệt lệ. Người trưởng thành
qua đào tạo vẫn có thể học cách phân biệt các âm thanh lời nói trong các ngôn ngữ khác.
Nhưng nói chung, có vẻ như não bộ của chúng ta có một cánh cửa cơ may hữu hạn trong một
khoảng thời gian ngắn ngủi bất ngờ. Cánh cửa nhận thức bắt đầu đu đưa chực đóng từ sáu
tháng tuổi, và, nếu không có tác động nào để đẩy nó ra, cánh cửa cuối cùng sẽ sập lại. Đến
tháng tuổi thứ mười hai, não bộ của bé đã đưa ra những quyết định sẽ ảnh hưởng tới hết cuộc
đời bé.
Kuhl và cả các nhà nghiên cứu khác đều tự hỏi, có tác nhân nào đủ mạnh để ngăn cho cánh cửa
ấy khỏi đóng sập lại? Ví dụ, bạn sẽ trưng cho con mình, trong khoảng thời gian mang tính then
chốt này, một cuốn băng giọng ai đó nói tiếng nước ngoài. Liệu não bộ có tiếp tục rộng mở để
đón nhận các âm vị không? Câu trả lời là “không hẳn”. Thế còn một đĩa DVD ghi hình ai đó nói
tiếng nước ngoài thì sao? Cánh cửa vẫn tiếp tục sập lại. Chỉ có một thứ ngăn được cánh cửa ấy
đóng lại với một loại ngôn ngữ khác. Bạn buộc phải chuyển tải các từ ngữ thông qua tương tác
xã hội. Một người bằng xương bằng thịt sẽ phải bước vào căn phòng và trực tiếp nói ngôn ngữ
đó với em bé. Nếu não bộ của bé phát hiện ra tương tác xã hội này, các tế bào thần kinh sẽ bắt
đầu ghi lại ngôn ngữ thứ hai, cả âm vị và tất cả những thứ khác. Để tiến hành các nhiệm vụ
nhận thức này, não bộ cần đến kích thích theo kiểu có-qua-có-lại và phong phú thông tin mà
chỉ có một con người thực sự khác có thể mang lại.
Ẩn sâu trong những dữ liệu này là cả một quả bom ý tưởng, một quả bom nhận được sự ủng hộ
mang tính kinh nghiệm từ các lĩnh vực khoa học phát triển. Việc học tập của con người, ở trạng
thái nguyên bản nhất, chủ yếu là một bài thực hành mối liên hệ. Trí thông minh không được
phát triển trong những chiếc nồi nung chạy điện của các cỗ máy lạnh lẽo không sức sống, mà là
trong vòng tay của những con người ấm áp và đầy yêu thương. Bạn có thể tái mắc nối não bộ
của trẻ (đúng theo nghĩa đen) nhờ vào việc trưng bé ra với các mối quan hệ.