bạn có thể cho rằng đã là người một nhà thì không nhất thiết phải xã giao như thế. Nhưng nếu
để ý, bạn sẽ thấy rằng ngay cả bố mẹ đẻ của bạn cũng rất thích được con cái hỏi thăm sức khoẻ.
Hình như càng có tuổi thì chúng ta càng quan tâm đến những biểu hiện đau đớn ở cột sống,
lo lắng cho đôi mắt không còn tinh anh như trước hay buồn bã khi nhìn những sợi tóc bạc rơi
xuống nền nhà. Một lời hỏi thăm của người khác chẳng cải lão hoàn đồng cho ai, nhưng nó lại
là liệu pháp tâm lý rất tốt đối với người có tuổi. Nếu như bạn đang ở cùng bố mẹ vợ/chồng,
mỗi sáng bạn chào hỏi ông bà bằng một câu “Đêm qua bố mẹ ngủ có ngon không?” thì bạn sẽ
mang lại cho họ cảm giác được thấu hiểu, chia sẻ. Một đứa trẻ thì không cần phải hỏi thăm về
giấc ngủ, nhưng với người có tuổi thì chuyện ngủ sâu hay trằn trọc, phải trở dậy suốt đêm là
vấn đề quan trọng.
Tất nhiên nếu như bạn chỉ áp dụng quy tắc này một cách máy móc, ngày nào cũng hỏi thăm
bố mẹ chồng/vợ nhưng không quan tâm thực sự đến câu trả lời thì chẳng mấy chốc bạn làm
cho các cuộc vấn an này đơn thuần chỉ là những lời đãi bôi. Thậm chí nó có thể tác dụng theo
chiều hướng xấu đi: các cụ sẽ khó chịu, chẳng buồn trả lời những câu hỏi hời hợt nữa. Bạn hãy
vấn an sức khỏe bố mẹ chồng/vợ bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình. Nếu quan tâm
thực sự, bạn sẽ biết khi nào cần động viên, an ủi và khi nào cần bàn với người bạn đời về việc
đưa bố mẹ của họ đi gặp bác sỹ.
NHỮNG NGƯỜI CÓ TUỔI RẤT THÍCH ĐƯỢC HỎI THĂM SỨC KHOẺ.
QUY TẮC 27
QUÀ CHO BỐ MẸ VỢ – CHỒNG LO QUÀ CHO BỐ MẸ CHỒNG – VỢ LO
Đây là một quy tắc thiên về việc làm cho mọi người đều cảm thấy vui vẻ, chứ không nhằm
đến chuyện chia rẽ rạch ròi về kinh tế. Bởi vì khi bạn gọi một người là chồng/vợ, hẳn rằng bạn
đã nhập tài sản của hai người làm một (Quy tắc 4). Món quà mà bạn hay chồng bạn mua biếu
các bậc phụ huynh đều phải trích từ tài sản chung ấy mà ra. Việc phân công “trách nhiệm”: quà
cho bố mẹ vợ - chồng lo, quà cho bố mẹ chồng - vợ lo, thực ra là một cách trao đổi tình cảm rất
cần thiết mà nhiều khi chúng ta vô tình bỏ qua.
Tôi còn nhớ hồi mới kết hôn, mỗi lúc về bên nội hay bên ngoại, người nghĩ ra chuyện mua
quà và tự chịu trách nhiệm cho việc này đều là tôi. Hai năm trở lại đây, chồng tôi đột nhiên
nhận ra trách nhiệm của mình. Trên đường đến nhà mẹ vợ, nếu thấy tôi đi tay không thì anh lại
chủ động dừng xe, mua một túi hoa quả hoặc một vài gói bánh làm quà. Lúc đầu, chồng tôi đùn
đẩy việc trao quà cho vợ, nhưng tôi nhất quyết đi tay không, mặc ông xã xoay xở với gói quà.
Tôi biết rõ bố mẹ mình sẽ cảm thấy như thế nào khi họ được nhận quà từ tay con rể. Kết quả
đúng như tôi mong đợi: bố mẹ tôi rất vui.
Trong câu chuyện kể trên, có rất nhiều người hài lòng: bố mẹ tôi, chồng tôi và tôi. Bố mẹ tôi
có hạnh phúc được nhận thì chồng tôi cũng có hạnh phúc được cho. Còn tôi, được chứng kiến
cảnh chồng mình quan tâm đến bố mẹ, dù chỉ là một chút quà nhỏ thôi, cũng đủ để thấy mình
chọn…đúng người rồi. Tất nhiên khi về nhà chồng, tôi cũng không bao giờ để mình đi tay
không. Tôi cũng thích được nhìn thấy niềm vui trong mắt bố mẹ chồng và chồng tôi nữa.
Những niềm vui đó sẽ góp phần tích tụ thành tình cảm vững bền, tôi muốn bạn hãy thực
hành quy tắc này ngay từ bây giờ, nếu như từ trước đến nay bạn chưa bao giờ nghĩ đến nó.
Cũng cần phải lưu ý rằng, bạn nên tham khảo ý kiến của chồng/vợ về việc chọn quà. Bạn là
“người mới đến”, bạn không thể biết được bố mẹ chồng/vợ thích gì.
Lại lấy ví dụ từ chồng tôi. Tết nào chàng cũng hồn nhiên vác một két bia đi biếu phụ huynh
bên vợ. Kết quả là cứ sau Tết, chàng lại được bố mẹ vợ gọi đến… vác bớt bia về nhà uống. Phải
đến khi tôi nhắc nhở thì chàng mới nhận ra sự dư thừa bia trong nhà bố mẹ vợ. Vậy nên, để
việc hoán đổi trách nhiệm trao quà trở nên hoàn hảo, bạn nên bàn bạc trước với người bạn
đời.
Tất nhiên, cũng cần những bất ngờ, không chỉ cho bố mẹ chồng/vợ mà cho cả người bạn đời.