xác ở đây chính là “người lạ”. Chủ quyền của các bà mẹ rõ ràng đã bị “xâm hại” một cách
nghiêm trọng!
Bạn cần phải nhận ra sự lo lắng, thậm chí là nỗi ấm ức của các bà mẹ để tìm cách xoa dịu tình
hình. Nếu bạn là người đứng giữa, bạn nên học cách của cô vợ cậu bạn tôi. Cô ấy kết thúc được
cuộc chiến chỉ vì cô ấy biết ở giữa và cân bằng cán cân tình cảm. Còn nếu bạn phải đứng ở một
bên cán cân, nghĩa là bạn đang bị đặt vào tình thế phải tranh giành chồng/vợ với các bà mẹ, thì
bạn nên xem lại cách cư xử của mình. Hãy tìm cách tỏ rõ cho các bà mẹ có “máu ghen” với con
dâu/con rể rằng bạn bước vào nhà của họ để được hoà nhập trong một gia đình. Bạn chỉ muốn
góp thêm, chứ không phải lấy đi.
PHẢI CẦN THỜI GIAN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ GỌI MỘT NGƯỜI KHÔNG SINH RA MÌNH LÀ
MẸ. CÁC BÀ MẸ CHỒNG/MẸ VỢ CŨNG KHÔNG DỄ DÀNG GÌ KHI GỌI CHÚNG TA LÀ CON ĐÂU.
QUY TẮC 29
KHÔNG NÊN ÂU YẾM THÁI QUÁ TRƯỚC MẶT MẸ CHỒNG
Tôi biết các nàng dâu thời nay sẽ phản đối nguyên tắc này. Nhiều người nghĩ rằng đã qua rồi
cái thời phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, việc thể hiện tình yêu đối với chồng bằng cử chỉ
là điều hết sức bình thường.
Đó là quyền của những đôi uyên ương! Nhưng đây là quy tắc bạn cần nhớ nếu không muốn
mất điểm với mẹ chồng. Bởi bạn ôm chồng từ sau lưng, nũng nịu đòi chồng làm cho một cốc
chanh leo, trong khi mẹ chồng bạn đang có mặt ở đấy, thì bạn sẽ gây ″ngứa” mắt đấy. Thực ra,
tôi chỉ muốn bạn quan tâm đến cảm giác của mẹ chồng. Chắc chắn bà sẽ thấy không được thoải
mái nếu phải chứng kiến cô con dâu “yêu” cậu quý tử của mình lộ liễu đến thế.
Như tôi đã phân tích tâm trạng “mất mát” của các bà mẹ ở quy tắc trước, những “ghen
tuông”, hờn giận của các bà mẹ là điều hoàn toàn bình thường. Chỉ cần bạn hiểu điều này thì
bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, có nhiều nơi để ″đầu gối, tay ấp” với chồng thích hợp hơn là nơi có
sự hiện diện của phụ huynh.
Trong một thời gian dài, tôi luôn phải tiếp đón bà hàng xóm vào lúc cả nhà đang thư giãn với
chương trình phim truyện vào lúc 8 giờ tối, chỉ vì bà không muốn chứng kiến cảnh con dâu
tình tứ với con trai mình khi cùng nhau xem phim. Chỉ một lời phân bua thế này mà tôi hiểu bà
đã bị khó chịu như thế nào nên buộc lòng phải sang “ngáp vặt” ở nhà tôi: “Thật tình thấy chúng
nó yêu nhau tôi mừng lắm. Nhưng mà nhà chỉ có ba mẹ con, tối về quây quần bên cái tivi,
muốn nói dăm câu ba điều với các con cũng khó vì chúng nó cứ mải… chăm bẵm cho nhau.”
Sau này, khi cô con dâu nhận ra sự vắng mặt bất thường của mẹ chồng, và được tôi tiết lộ
nguyên nhân, cô mới đỏ mặt phân trần, là con một trong gia đình, cô đã quen với cách thể hiện
tình cảm như vậy rồi. Ở nhà thì ôm vai bá cổ, nũng nịu mẹ. Về nhà chồng thì làm nũng chồng.
Không ngờ lại thành ra khiến mẹ chồng khó xử. Sau lần ấy bà hàng xóm ít qua nhà tôi hơn. Hẳn
rằng cô con dâu đã biết cách tiết chế các cử chỉ yêu thương trước mặt mẹ chồng, để không ai
phải khó xử.
Nhiều bà mẹ chồng lại nhìn nhận sự việc theo một cách khác. Việc cô con dâu cứ “đá lông
nheo” liên tục với con trai đôi khi cũng bị mẹ chồng quy kết vào tội… lẳng lơ. Con dâu vụng có
khi còn dễ chấp nhận hơn chuyện con trai “rước” về một Thị Mầu. Rõ ràng, vợ có một chút Thị
Mầu để chiều chồng thì không gì tuyệt bằng. Nhưng đó là chuyện trong phòng kín. Bạn nên nhớ
điều này để đừng lẫn lộn giữa quy tắc ứng xử trong phòng ngủ với phòng khách.
Tất nhiên, bạn cũng không nên cứng nhắc khi vận dụng quy tắc này. Cô bạn đồng nghiệp của
tôi trước ngày lên xe hoa cũng bị mẹ đẻ nghiêm cấm chuyện âu yếm chồng thái quá trước mặt
mẹ chồng. Cô ấy thắc mắc: Vậy thì nên cư xử với chồng như thế nào trước mặt mẹ chồng? Giữ
khoảng cách một cách lạnh lùng, khách sáo chăng?
Không ai có quyền bắt các cô dâu phải làm thế, và thực tình thì bạn cũng đừng dại gì mà biến
mình thành người dưng đối với chồng. Bạn có quyền thể hiện tình yêu với chồng trước mặt