xung quanh. Nhiều người than phiền rằng bao nhiêu năm đã trôi qua mà họ không thể hoà hợp
được với gia đình chồng/vợ. Chúng ta nên xem lại mong muốn thích ứng của chính mình. Chỉ
có sự thành tâm được hòa hợp thì bạn mới có thể nhẹ nhàng thực hiện quy tắc này.
BẠN XUẤT HIỆN Ở NHÀ CHỒNG/VỢ KHÔNG PHẢI VỚI TƯ CÁCH CỦA MỘT VỊ KHÁCH
NHƯNG DÙ SAO BẠN CŨNG LÀ NGƯỜI MỚI ĐẾN.
QUY TẮC 31
LÀM GÌ KHI BỐ MẸ CAN THIỆP QUÁ SÂU VÀO ĐỜI SỐNG CỦA CON?
Bạn lập gia đình, bạn coi đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành. Nhưng bố mẹ
bạn chưa chắc đã nghĩ vậy. Họ vẫn coi vợ chồng bạn là những đứa trẻ lớn tuổi và có trách
nhiệm phải giám sát, bảo ban. Dường như bạn cảm thấy bị nghẹt thở vì sự quan tâm quá mức
cần thiết đó.
Bạn muốn ở lại cơ quan vào buổi trưa để có thời gian nghỉ ngơi trong khi bố mẹ chỉ chấp
nhận phương án bữa cơm sum họp. Bạn muốn sơn màu hồng cho phòng ngủ của hai vợ chồng
nhưng bố mẹ lại phủ sơn vàng toàn bộ ngôi nhà. Bạn muốn cho con đi học trường tư bởi vì bạn
thấy ở đó tốt hơn, song bố mẹ bạn khăng khăng trường công bao giờ cũng đảm bảo nhất. Bạn
để con cái tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn nhưng bố mẹ không nghĩ thế, trẻ con là phải được
phục vụ tận răng.
Những sự trái ngược này diễn ra thường xuyên, liên tục, ở mọi nhà. Bạn đừng vội nghĩ rằng
mình là người không may mắn, mình rơi vào vòng “kìm kẹp” trong khi các bạn của mình được
ở với một gia đình thoải mái hơn. Thật ra chưa chắc người khác đã sung sướng hơn bạn. Họ
cũng phải chịu nhiều áp lực từ chính sự quan tâm của bố mẹ, nhưng họ không kêu than bởi vì
hoặc họ đủ khéo léo để giải quyết vấn đề, hoặc họ cam chịu.
Bạn sẽ phản ứng thế nào? Giận dỗi, vùng vằng, không thèm động tay động chân, kệ ông bà
muốn làm gì thì làm? Phớt lờ mọi lời khuyên, nhất nhất hành động theo ý mình, không một lời
giải thích? Thực hiện mọi mong muốn của bố mẹ nhưng bằng một sự chịu đựng đến mức chán
nản, buông xuôi? Nếu như bạn chọn một trong các cách hành xử trên thì chẳng mấy chốc, gia
đình bạn không có đối thoại cởi mở. Chỉ có bố mẹ độc thoại! Hoặc tệ hại hơn nữa là những lời
cãi vã, xô xát khi bất đồng lên đến đỉnh điểm.
Một khi bạn đã chịu khó đọc các quy tắc này để tìm cách ứng xử hợp lý nhất thì tôi tin rằng
bạn không chọn những giải pháp khiến cho gia đình căng thẳng. Tôi biết bạn là một người hiếu
thuận, nhưng đừng vì thế mà bạn phải đánh mất cá tính của mình.
Bạn sinh ra bởi bố mẹ, thừa hưởng nhiều gien trội của cả hai người, nhưng bạn là một cơ thể
riêng biệt. Khi lập gia đình, cơ thể riêng biệt ấy có cơ hội hoà hợp với một cơ thể riêng biệt
khác để sinh ra những cá thể mới. Dù muốn hay không thì bố mẹ cũng phải chấp nhận một sự
thật: bạn có cuộc sống riêng và bạn được tự do trong cuộc sống ấy.
Tôi có một anh bạn suốt ngày ôm đầu đau khổ bởi vì anh không bao giờ cãi lại bố mẹ, trong
lúc sự can thiệp của bố mẹ làm cho vợ chồng anh bất hoà. Ông bà ở nhà trông cháu, ngày nào
cũng đãi cháu món trứng gà, hết rán lại luộc. Vợ anh không đồng ý với thực đơn nghèo nàn và
nguy hiểm này. Anh cũng biết vậy nhưng đành chịu trước lý luận của bố mẹ: “Trẻ con thích gì
thì cứ cho chúng ăn nấy. Không nở bề ngang cũng nở bề dọc” Đến khi thằng bé chán ăn, nhìn
thấy trứng là sợ, chị vợ mới dứt khoát xin phép ông bà đi gửi cháu để “lập lại trật tự”.
Mất một thời gian dài, vợ chồng họ mới giúp thằng bé ăn uống bình thường trở lại, nhưng mà
hội chứng sợ trứng thì không thuyên giảm. Trong trường hợp này, sự can thiệp của ông bà ảnh
hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của đứa cháu. Nếu như anh bạn tôi khéo léo hơn, dứt khoát hơn
thì tình trạng không đến nỗi tồi tệ như vậy.
Bố mẹ có nhiều kinh nghiệm, hẳn là thế, nhưng không phải bao giờ bố mẹ cũng đúng. Bạn cần
biết lắng nghe bố mẹ, nhưng là sự lắng nghe có chọn lựa. Bạn đã có gia đình. Bạn thực sự đã
trưởng thành để tự quyết định những điều mà bạn tin là đúng.