người khác. Yêu thương bao nhiêu cũng chưa đủ, nhất là trong cuộc sống chồng vợ. Bạn nên
tận dụng cơ hội để thể hiện tình yêu thương với chồng ở mọi lúc, mọi nơi. Điều tôi muốn nói
trong quy tắc này là giới hạn của cách mà bạn thể hiện mà thôi.
NÊN TẬN DỤNG CƠ HỘI THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI CHỒNG/VỢ Ở MỌI LÚC, MỌI
NƠI, VẤN ĐỀ LÀ GIỚI HẠN CỦA CÁCH MÀ BẠN THỂ HIỆN TRƯỚC MẶT NGƯỜI KHÁC MÀ
THÔI.
QUY TẮC 30
NHẬP GIA TÙY TỤC
Quy tắc này thường áp dụng đối với tất cả những ai được gọi là khách khi bước chân vào nhà
người khác. Với tờ giấy đăng ký kết hôn và một đám cưới tưng bừng, bạn xuất hiện ở nhà
chồng/vợ không phải với tư cách của một người khách, nhưng dù sao bạn cũng là người mới
đến.
Bạn hãy thử tưởng tượng vào một buổi sáng đẹp trời, bạn thức dậy và nhận ra mọi thứ đã
thay đổi, hoàn toàn thay đổi. Một chiếc giường mới, một người chồng mới cưới, một khung
cảnh mới đang chào đón bạn. Bạn bước ra khỏi chiếc giường xa lạ, đi ra khỏi cái buồng ngủ xa
lạ, và chào những người hôm qua bạn còn gọi là hai bác bằng hai từ thân mật “bố, mẹ”.
Việc đầu tiên bạn nên nghĩ tới là liệu bạn sẽ làm gì sau khi đánh răng rửa mặt? Thay quần áo
đi làm, chải đầu, rồi ung dung ngồi thưởng thức bữa sáng nóng hổi mà mẹ đã chuẩn bị sẵn. Đấy
là quy trình ở nhà mẹ đẻ. Còn bây giờ, ngay trong buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng, rõ ràng là
bạn cần phải bắt tay vào làm một cái gì đấy, để tỏ rõ bạn là một thành viên có thiện chí.
Ở Việt Nam, tôi thấy điều đầu tiên mà các cô dâu mới thường làm là cầm chổi quét nhà. Có vẻ
như đây là một hình thức khởi động tốt nhất trong khi các cô dâu thăm dò những bước nên làm
tiếp theo. Mỗi gia đình có một cách đón chào ngày mới khác nhau, và bạn đừng ngạc nhiên nếu
như thấy ở nhà chồng, không phải mẹ chồng, cũng không phải bạn mà là bố chồng đứng ra lo
liệu bữa sáng. Bạn thấy đấy, chúng ta học cách thích ứng với môi trường mới từ những điều
nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Khởi động buổi sáng chỉ là một ví dụ đơn giản để bạn hiểu rằng
mọi thứ đã vào khuôn khổ rồi, việc của bạn là làm sao để mình vừa vặn trong cái khuôn khổ ấy.
Tính cách, phong tục, tập quán, thói quen…, và nhiều thứ khác chi phối đến lối ứng xử trong
mỗi một gia đình. Điều này cũng đồng nghĩa với những thứ bạn chưa hề biết tới, nhưng rồi bạn
sẽ trải qua hết, bởi vì bạn đang trở thành một mắt xích góp phần nối liền mọi người trong ngôi
nhà mới.
Tôi thấy nhiều người nôn nóng muốn “nhập gia tuỳ tục” đến mức cái gì cũng xăng xái xắn tay
vào làm, rồi chuốc mệt vào thân mà đôi khi không thu được kết quả như ý. Cô bạn tôi là một ví
dụ điển hình. Thời con gái vốn được tiếng là đảm đang, cô tự tin đưa cái đảm đang ấy về nhà
chồng để tham gia vào tất cả mọi việc. Thật là một tinh thần đáng khen ngợi.
Tuy nhiên, thời gian đầu cô hơi bị sốc vì những khi cần bày cỗ bàn, đàn ông trong gia đình
nhà chồng gánh vác hết mọi việc. Kể cả việc đi chợ! Nếp nhà ấy hoàn toàn khác với gia đình cô.
Ông nội, bố đẻ của bạn tôi không bao giờ biết giá thịt lợn ngoài chợ lên xuống như thế nào.
Trong khi ở nhà chồng, đến chú em chưa lấy vợ cũng thông thạo hết mọi chuyện chợ búa. Sự
lệch pha này khiến cho bạn tôi cảm thấy bị cô lập vì dường như không ai cần đến cô trong các
ngày trọng đại. Thực ra thì không phải vậy. Đó chỉ là một sự hoán đổi vị trí bình thường thôi.
Mẹ chồng, các em chồng của bạn tôi coi việc sắp xếp cỗ bàn đương nhiên là của đàn ông, vậy
thì bạn tôi không việc gì phải buồn khi được trút bớt gánh nặng. Đơn giản thế thôi mà mãi rồi
cô mới quen được với nhiệm vụ “phụ bếp” ở nhà chồng.
Hình như ngày càng nhiều những cô dâu mới không thèm quan tâm đến một buổi sáng diễn
ra như thế nào trong nhà chồng. Mọi người làm gì, mặc! Cô mệt, cô cần phải ngủ nướng để lấy
lại sức. Điều cô quan tâm là làm sao kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình. Kiếm tiền không
phải là chuyện xấu. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta để ý một chút đến những gì diễn ra