Bạn cứ thử hình dung, một hôm chồng/vợ bạn nhất quyết cùng bạn đến nhà bố mẹ anh ấy/cô
ấy với vẻ bí mật. Rồi anh ấy/cô ấy rút từ trong túi ra một phong bao, thông báo rất trịnh trọng
rằng anh ấy/cô ấy mới trúng một phi vụ làm ăn và muốn chia sẻ niềm vui này với những người
thân trong gia đình. Ngày hôm ấy sẽ trở nên lung linh nếu như khi về nhà, bạn nói thầm vào tai
người bạn đời một câu bí mật: “Cảm ơn anh/em. Đây là một bất ngờ mà anh/em chờ đợi từ lâu
lắm rồi!”
Tôi thấy nhiều cặp vợ chồng không được thoải mái lắm khi nhắc đến những khoản quỹ đen
mà chồng/vợ họ dành cho các bậc phụ huynh. Nếu họ biết áp dụng quy tắc này thì tôi tin các
khoản quỹ đen sẽ được thu hẹp lại. Một khi bạn chủ động trao quà cho bố mẹ chồng/vợ với sự
thành tâm của một đứa con hiếu thảo, thì chồng/vợ bạn sẽ khỏi phải nghĩ đến việc giấu giếm
tiền bạc để biếu riêng bố mẹ mình. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự thành tâm, bởi vì nếu chúng
ta trao quà cho một ai đó bằng sự miễn cưỡng, thì kết quả mà chúng ta nhận được cũng chỉ là
sự miễn cưỡng mà thôi.
VIỆC PHÂN CÔNG “TRÁCH NHIỆM” TRAO QUÀ THỰC RA LÀ MỘT CÁCH TRAO ĐỔI TÌNH
CẢM MÀ NHIỀU KHI CHÚNG TA VÔ TÌNH BỎ QUA.
QUY TẮC 28
MẸ CHỒNG VÀ NÀNG DÂU TRANH CHẤP CON TRAI, MẸ VỢ VÀ CHÀNG RỂ TRANH CHẤP
CON GÁI
Mỗi một cuộc hôn nhân đều đem đến cho các bà mẹ chồng/mẹ vợ tâm trạng bất ổn của
người vừa bị chia sẻ tình thương yêu. Vậy nên trong quy tắc này, tôi chỉ muốn bạn đừng ngạc
nhiên nếu như mẹ chồng/mẹ vợ bạn cố níu kéo con trai/con gái họ về phía mình.
Tôi hay dùng từ “người lạ” để nói về những người mới bước vào hôn nhân và bắt đầu làm
quen với khái niệm nhà chồng/nhà vợ. Phải cần thời gian để chúng ta có thể gọi một người
không sinh ra chúng ta là mẹ. Các bà mẹ chồng/mẹ vợ cũng không dễ dàng gì để gọi chúng ta là
con. Không ít bà mẹ bị sốc sau đám cưới của con trai/con gái mình. Họ cảm thấy mất mát, vì từ
sau đám cưới, con cái của họ dành mối quan tâm thường xuyên cho gia đình mới của chúng.
Bạn đã từng nghe chuyện các bà mẹ chồng làm đủ mọi cách để không cho con trai và con dâu
gần gũi nhau chưa? Nếu bạn được ở riêng ngay từ đầu thì bạn không thể tin lại có chuyện này.
Còn trong trường hợp bạn sống chung với nhà chồng/nhà vợ thì rất nhiều khả năng bạn phải
chịu cảnh tranh chấp với mẹ chồng/mẹ vợ đấy. Tâm lý bị mất con và cố giành lại đứa con từ
tay “người lạ” là một tâm lý hoàn toàn bình thường. Bạn phải hiểu được tâm lý này để đối phó
với các tình huống xấu, thay vì coi nó là câu chuyện hài hước của một ai đó.
Một người bạn trai của tôi tâm sự rằng cậu ấy cảm thấy không được thoải mái mỗi lần đến
nhà vợ. Nhất là khi sinh đứa con đầu lòng, vợ cậu về bên ngoại để bà ngoại tiện chăm sóc,
nhiều khi cậu có cảm giác mất vợ bởi vì thái độ ngăn cấm của mẹ vợ. Gần như có một cuộc
chiến ngầm xảy ra giữa bạn tôi và mẹ vợ, khi hai bên cố tìm mọi cách để kéo cô vợ trẻ về phía
mình.
Cuối cùng, người vợ phải đứng ra “hòa giải” bởi cô ấy hiểu nguyên nhân của cuộc chiến tranh
lạnh này. Mẹ cô ấy mắc bệnh “ghen” với chàng rể! Bà chỉ muốn ôm ấp, chăm bẵm con gái như
ngày cô ấy còn ở nhà. Bà tìm cách lập một hàng rào “bất khả xâm phạm” quanh con gái và cháu
ngoại của mình. Cô vợ đã khéo léo thể hiện sự quan tâm đến từng người để không ai cảm thấy
bị bỏ rơi.
Sau này, khi “giành” được vợ và con từ tay bà nhạc trong hoà bình, bạn tôi vẫn thường xuyên
đưa vợ con về thăm bà để chứng minh cho bà thấy, bà không mất gì mà chỉ được thêm một đứa
con trai và một đứa cháu ngoại.
Các bà mẹ thường rất ngạc nhiên khi thấy con mình đột nhiên dễ bảo bởi một “người lạ”.
Trước kia, dù họ có gọi như gọi đò thì con họ vẫn nằm ỳ ra mỗi lúc cần phải dậy cho kịp giờ đi
làm. Bảo đi chợ mua cho mớ rau còn khó. Vậy mà sau hôn nhân, con họ như được lột xác. Kẻ lột