PHẦN IV. NHỮNG QUY TẮC NUÔI DẠY CON CÁI
“Của để dành” là từ mà chúng ta thường dùng khi nói về con cái. Cũng như đồng tiền vào tay
người này thì ngày một sinh lời, vào tay người khác thì mất giá và có thể gây hại, “của để dành”
của vợ chồng bạn có được đúng như hy vọng của các bạn hay không phụ thuộc rất nhiều vào
cách các bạn nuôi dạy con. Mỗi đứa con là một tính cách, một số phận. Là những người làm
cha, làm mẹ, các bạn cần phải hiểu từng đứa con một để có cách đối xử phù hợp nhất.
Từ những nỗi buồn phiền, từ những niềm vui và nhiều khi là cả sự thất bại của mình trong
quá trình nuôi con, tôi muốn góp thêm một vài kinh nghiệm để vợ chồng bạn có thể được vui
như tôi đã vui, ít khi buồn như tôi đã buồn và không phải thừa nhận sự thất bại như tôi đã từng
thất bại. 22 quy tắc trong chương này hẳn rằng không thể đủ cho suốt bao nhiêu năm nuôi dạy
con cái của các bạn. Nó chỉ là những gợi ý để các bạn tìm ra hướng đi phù hợp nhất đối với con
mình.
Các bạn đừng lo lắng quá, đừng kỳ vọng quá cũng như đừng nhụt chí nếu như không được ở
bên con cái suốt ngày đêm, không được nhìn thấy con giỏi giang như các bạn khác, không được
thấy con tiến bộ trong khi các bạn đã hết mình với cháu. Điều cơ bản là bạn phải làm cho con
trẻ hiểu bạn yêu thương tin tưởng cháu như thế nào, cũng như giúp cháu cảm nhận được sự
yêu thương, tin tưởng của bạn. Đó là nguyên tắc tối thượng xuyên suốt hàng loạt quy tắc mà
bạn, tôi và người khác có thể nghĩ ra trong quá trình làm cha mẹ. Và quan trọng nhất là vợ
chồng bạn cùng thống nhất với nhau trong suốt quá trình ấp ủ “của để dành”.
QUY TẮC 59
HÃY THỂ HIỆN SỰ THỐNG NHẤT VÀ NHẤT QUÁN
Đến những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, tôi thường nhìn thấy cảnh: khi đứa trẻ
không được bố mẹ cho phép làm một việc gì đó, cháu liền quay sang cầu cứu ông bà. Chỉ cần
ông bà gật đầu là lệnh cấm của bố mẹ mất hiệu lực. Lâu dần, đứa trẻ chỉ dựa vào những người
có quyền quyết định cao nhất để đạt được mục đích của mình. Cháu thường bối rối khi phải
chọn lựa và không phân biệt được điều gì nên làm/không nên làm. Đó là hậu quả của việc áp
dụng kỷ luật thiếu tính thống nhất giữa các thành viên trong gia đình.
Những chiếc kẹo xanh đỏ sặc sỡ được bày bán nhan nhản trước cổng trường học mang đến
nhiều nguy cơ: ngộ độc thực phẩm, sâu răng, thừa đường… Vợ chồng bạn không bao giờ mua
cho con. Nhưng có thể bố mẹ của bạn lại nghĩ rằng không có lý do gì để tiếc đứa cháu mấy thứ
rẻ tiền kia. Các bạn làm gì trong trường hợp này?
Nếu các bạn chậc lưỡi cho qua với ý nghĩ “chỉ một lần này thôi” thì tôi chắc rằng lần sau ông
bà sẽ còn mua nhiều kẹo hơn. Vợ chồng bạn hãy kiên quyết một lần để bảo vệ kỷ luật của mình.
Các bạn sẽ phải giải thích cho ông bà cũng như con bạn hiểu lý do bạn không muốn cho con ăn
những loại kẹo đó. Ông bà là người lớn, chắc rằng ông bà sẽ hiểu nhanh hơn trẻ nhỏ. Cháu sẽ
rất buồn nếu như bị tước cái kẹo khỏi tay. “Bố/mẹ sẽ để dành cho con chuột cái kẹo này để nó
ăn vào, sâu răng, rồi nó không cắn được quần áo của con nữa!” Một đứa trẻ thông minh sẽ
nhanh chóng nhận ra vấn đề. Bạn thấy đấy, ranh giới giữa việc nên làm và không nên làm rất
mong manh. Con bạn cũng cần có người dẫn đường chỉ lối để hiểu điều được phép và không
được phép.
Thống nhất trong cách bảo ban con cái là một quy tắc cần nhiều đến sự linh hoạt. Đôi khi bạn
cảm thấy sự cấm đoán của chồng/vợ bạn có vẻ không công bằng với con. Bạn sẽ nói với con:
“Bố/mẹ sai rồi, con cứ làm theo ý mình” hay “Theo mẹ/bố thì con đừng vội làm điều này. Hẳn
là bố/mẹ có lý do khi đưa ra quyết định ấy”? Nếu bạn chọn cách nói thứ nhất, đứa trẻ sẽ làm
theo ý mình và lần sau cháu không cần quan tâm đến ý kiến của bố/mẹ nữa. Cách nói thứ hai
sẽ đảm bảo được nhiều điều: bạn không áp đặt con cái, nhưng cũng không chống lại cách giáo
dục của chồng/vợ. Điều quan trọng ở đây là việc bạn không phủ nhận ý kiến của chồng/vợ
trước mặt con trẻ, cho dù bạn biết con bạn có lý hơn. Bạn muốn giữ thể diện cho chồng/vợ và