khiến chúng tôi liên tục nói lại chuyện cũ với mong muốn cháu giữ đúng lời hứa. Cháu lại cảm
thấy bức bối với ý nghĩ bố mẹ không tha thứ cho mình.
Nếu vợ chồng bạn biết nói lời xin lỗi thì các bạn cũng nên học cả cách tha thứ cho con. Con
trẻ không dễ gì thực hiện đúng lời hứa. Nếu như các bạn thấy cần phải nhắc lại các cam kết để
cháu không tái phạm sai lầm thì tôi chỉ lưu ý một điều: không nên kể lể các khuyết điểm của
cháu trước mặt người khác. Các cháu sẽ cảm thấy bẽ mặt, khó chịu, sinh ra những ý nghĩ làm
trái với ý muốn của bố mẹ.
Điều quan trọng trong quy tắc này là vợ chồng bạn biết khuyến khích con tự nhận ra lỗi lầm
cũng như đánh giá cao khả năng sửa lỗi của cháu. Có thể không thực sự tin vào lời hứa của con,
nhưng các bạn cứ thử cúi xuống, nhìn vào mắt con và nói: “Bố mẹ sẽ ghi vào nhật ký rằng hôm
nay là một ngày đáng nhớ, con đã hứa sẽ chăm chỉ học hành hơn. Bố mẹ biết điều này rất khó
với con, nhưng cả nhà mình sẽ cùng nhau ghi nhật ký để thấy sự tiến bộ hàng ngày của con
nhé!” Tôi tin rằng khi cảm nhận rất rõ tình yêu thương và sự tôn trọng ở bố mẹ, cháu sẽ có
trách nhiệm hơn với lời xin lỗi của mình.
AI CŨNG CÓ THỂ MẮC SAI LẦM, ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ CHÚNG TA NHẬN RA SAI LẦM ĐỂ
HỌC CÁCH XIN LỖI VÀ THA THỨ CHO CON CÁI.
QUY TẮC 61
ĐỪNG LẤY CON LÀM LÁ CHẮN
Các bậc cha mẹ thường nghĩ mình là chỗ dựa vững chắc của con cái. Nhưng đôi khi họ đem
con cái ra “đỡ đạn” cho mình, dù phần lớn họ không ý thức được điều đó. Bạn đã bao giờ rơi
vào tình huống giận dỗi với chồng, và đột nhiên bạn muốn trêu tức anh ấy bằng cách lôi kéo
con về “phe” mình? Nếu bạn nói chưa thì thật là may mắn cho con bạn, bởi vì rất nhiều đứa trẻ
khác cảm thấy bị kẹt giữa những người lớn mỗi khi có chiến tranh lạnh xảy ra trong gia đình.
Một đứa trẻ luôn bị đưa ra làm lá chắn trong các cuộc cãi vã, giằng co giữa bố mẹ thì thường
sinh ra thói quen thu mình lại, hoặc trở nên thô lỗ, cục cằn, ích kỷ. Nếu như bạn biết việc bạn
lôi kéo con trẻ chỉ là một thủ đoạn để làm đau người khác thì tôi chắc rằng con bạn cũng đủ
thông minh để nhìn nhận một phần hoặc toàn bộ vấn đề. Có điều cháu là con của các bạn, cháu
khó mà tìm được cách giải quyết vấn đề nào khác hơn là biến đổi chính bản thân mình để học
cách chịu đựng. Bạn cần phải hiểu rõ điều này để đừng bị lôi kéo vào khát khao được làm đau
người khác bằng việc sử dụng con cái như một vũ khí. Tôi nói đến từ khát khao bởi vì tôi cũng
cảm nhận rất rõ điều này mỗi khi trong đầu lên cơn bốc hoả vì giận dỗi. Tôi chỉ muốn bế con đi
thật xa. Tôi muốn chồng tôi phải suốt đời đau khổ vì không bao giờ còn được nhìn thấy cháu
nữa. Cũng may mà tôi chống lại được khát khao điên rồ của mình. Thay vì đi thật xa, tôi đưa
con vào công viên. Trong lúc nhìn cháu chơi, tôi bình tĩnh lại để nhắc nhở mình rằng, tôi không
có quyền chia rẽ tình cảm bố con của cháu.
Nhiều cặp vợ chồng chần chừ trong chuyện ly dị vì lý do thương con. Thực ra, những đứa trẻ
nhạy cảm thường nghĩ rằng thà bố mẹ chia tay trong bình yên còn hơn là phải chịu đựng nhau
dưới một mái nhà. Các cháu không muốn chứng kiến cảnh cãi vã, tranh giành, lấy lòng con cái
của bố mẹ. Kể cả các bạn có giấu giếm sự rạn nứt trong tình cảm đi chăng nữa thì khi biết được
sự thật, người đau buồn nhất sẽ vẫn là con trẻ.
BẠN ĐỪNG BỊ LÔI KÉO VÀO KHÁT KHAO LÀM ĐAU NGƯỜI KHÁC BẰNG VIỆC SỬ DỤNG
CON CÁI NHƯ MỘT VŨ KHÍ.
QUY TẮC 62
HÃY TÔN TRỌNG CON
Điều làm tôi nhớ nhất khi tham gia một khoá học làm cha mẹ là cách lắng nghe con trẻ.
Người đứng lớp bảo rằng mỗi khi nói chuyện với con, chị toàn phải cúi xuống để mình ngang
hàng với con, hoặc có thể bế con lên để con ngang hàng với mình, làm sao để hai mẹ con có thể