được.
Chỉ là chuyện đưa con đi học, nhưng nói rộng ra thì trong tất cả mọi việc, nếu chúng ta tham
dự quá mức vào cuộc sống của con thì không bao giờ con cái tự lập được. Vợ chồng bạn phải
học cách lường trước và chấp nhận rủi ro, bởi vì chỉ có vấp ngã thì con bạn mới tự rút ra những
bài học cho tương lai.
Tôi đồng ý rằng, với trái tim của những người làm cha, làm mẹ, không bao giờ các bạn thấy
bớt lo lắng về con. Tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ bất an mỗi khi con cái khuất khỏi
tầm mắt của mình. Liệu cháu có bị sẩy chân khi đi dã ngoại với lớp, cháu có đột nhiên lên cơn
sốt về đêm khi ngủ bên nhà ông bà không?…Vợ chồng bạn luôn lo cho con, nhưng phỏng có ích
gì nếu các bạn để con nhận ra điều đó? Các bạn chỉ có thể sớm làm hỏng cuộc vui của cháu vì
nỗi lo của bạn đã truyền sang cháu mà thôi. Thay vì nói một câu về “điềm gở”, các bậc phụ
huynh chỉ cần mỉm cười, dặn cháu một vài điều và chúc cháu tận hưởng niềm vui là đủ.
KHÔNG BAO GIỜ HẾT LO LẮNG, NHƯNG CÁC BẠN VẪN PHẢI HỌC CÁCH CHẤP NHẬN RỦI
RO XẢY RA VỚI CON MÌNH
QUY TẮC 64
HÃY NHÌN NHẬN MỌI VIỆC THEO CÁCH CỦA CON TRẺ
Một lần, chồng tôi quát mắng om sòm chỉ vì đã hơn 10 giờ tối rồi mà con tôi còn không chịu
rời đống đồ chơi để đi ngủ. Với vẻ phẫn nộ pha lẫn lo lắng, cháu lại gần bố, nói nhỏ nhưng rành
rọt: “Bố có thể nói nhỏ hơn được không, con vừa ru các bạn ấy ngủ xong!” Thì ra con tôi đang
cố hoàn thành trò chơi cô giáo cho học sinh đi ngủ trưa, việc ru được các bạn ngủ là kỳ công
đối với cháu. Chồng tôi cũng phải thì thầm: “Bố thấy các bạn ấy ngủ rồi đấy, con có thể yên tâm
lên giường được rồi!” Con gái tôi xin phép đi đắp chăn cẩn thận cho “học trò” rồi mới rón rén
đi vào buồng. Chồng tôi bảo, nhìn những cử chỉ đó của con, anh thấy mình thật không phải khi
lúc nào cũng chực mắng con. Chúng tôi đã không hiểu một đứa trẻ lên bốn cũng có những công
việc quan trọng chẳng kém gì người lớn.
Nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, lau chùi, đi chợ, đi làm, bươn bả kiếm tiền… Người lớn chúng ta có
hàng đống việc cần phải giải quyết, trong khi lũ trẻ chỉ việc ăn, chơi, rồi lớn hơn thì học bài, thế
thôi. Vậy mà chúng cứ thích cản chân bố mẹ, luôn làm bố mẹ buồn rầu, mệt mỏi, khó chịu vì sự
mè nheo không ngớt. Lũ trẻ thật bất công! Người lớn thường nghĩ vậy. Thực ra với suy nghĩ
này, chúng ta cũng đang dồn sự bất công lên các cháu. Con trẻ rất cần được bố mẹ nhìn nhận
vấn đề theo cách của mình.
Khi bạn gọi con đi ăn cơm, con bạn nói cháu còn bận năm phút nữa. Bạn đi vào phòng khách
và nhận thấy cháu đang mải mê với trò chơi xếp hình. Thay vì tức điên người, quẳng đống đồ
chơi vào sọt rác, bạn nên giao hẹn với cháu đúng năm phút “công việc” kia phải dừng lại. Trong
mắt bạn, đây đơn thuần là một trò chơi, nhưng con trẻ lại nghĩ đó là một công việc nghiêm
chỉnh. Vợ chồng bạn hãy cho con tự sắp xếp thời gian cho công việc quan trọng của cháu. Nổi
nóng, la mắng lúc này chỉ làm các bạn mệt, con các bạn buồn bực và không khí gia đình nặng nề
hơn mà thôi.
Cũng phải mất một thời gian vợ chồng tôi mới quen với việc nhìn nhận theo cách của con
trẻ. Có lần khi vừa bước chân vào nhà đã thấy bông từ cái đệm cũ bay khắp nơi. Con tôi đang
sung sướng rứt từng sợi bông mặc cho tôi kêu thất thanh: “Con làm cái gì thế này?” Khi bình
tĩnh lại, tôi thay đổi chiến thuật. “Con có nghe bạn ấy kêu đau không?” “Bạn nào hả mẹ?”, con
tôi ngơ ngác hỏi, cũng có ý lắng nghe. Tôi giải thích với cháu rằng như tất cả những bạn búp bê,
bạn đệm bông này cũng biết đau đớn và hờn giận. Nếu ai làm bạn ấy đau thì không có cơ hội để
nằm lên người bạn ấy nữa, bạn ấy sẽ phải đi bác sĩ và xin sang nhà khác ở. Bạn biết kết quả
tuyệt vời thế nào không? Sau đấy tôi chỉ việc vào bếp, để mặc con tôi tự thu xếp đống bông
nhét vào đệm, chờ “bác sĩ” mẹ có thời gian sẽ khâu vá các vết thương lại.
Tôi nghĩ thật tốt nếu người lớn tham gia vào các trò chơi của con. Chúng ta sẽ biết điều nào
nên, điều nào không nên làm khi can thiệp vào công việc của các cháu.