nhìn vào mắt nhau khi trò chuyện. Tôi ngắm nhìn cách chị diễn tả lại cảnh hai mẹ con tâm sự
với nhau, thầm nghĩ, đứa trẻ này thật hạnh phúc khi có một người mẹ tâm lý như vậy.
Khi đặt con ngang hàng với mình, vợ chồng bạn là những người biết tôn trọng con cái. Một
người tôn trọng con sẽ không thể nói với con bằng những khẩu lệnh cụt ngủn, kiểu như “ăn
nhanh lên!”, “tắt tivi, đi ngủ ngay!” Các bạn có vội đến mức phải nói những câu ra lệnh ngắn
gọn, bề trên như thế không? Nếu có thêm mười giây cho một câu nói với con, thì có lẽ cách nói
này sẽ dễ chịu hơn với con bạn: “không chỉ con muộn học mà bố mẹ cũng sẽ bị sếp mắng vì
đến muộn giờ. Nếu con ăn nhanh hơn thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nhiều!” Vợ chồng bạn
không hạ thấp mình mà các bạn đang đẩy tầm quan trọng của con lên. Cháu rất thích được làm
những việc có ích cho người lớn, và cháu sẽ hiểu việc cháu ăn nhanh quan trọng như thế nào
đối với giờ đi làm của bố mẹ.
Khi đến chơi nhà một cặp vợ chồng trẻ, tôi rất ngạc nhiên vì cả hai vợ chồng đều dùng từ
“bạn ấy” khi nói về cậu con trai đang học lớp một. Tôi thấy chẳng có chuyện đùa cợt gì ở đây
cả. Coi con là một người bạn thực sự, họ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến con như với một
người ngang hàng. Khi cô giáo nhận xét trong sổ liên lạc về chuyện cháu không làm hết bài tập
ở nhà, họ không la mắng con theo cách mà nhiều bậc phụ huynh thường làm. Họ hỏi “bạn ấy”
xem có chuyện gì xảy ra, và họ biết nguyên nhân chính ở chương trình giáo dục quá tải đối với
một đứa trẻ lên sáu.
Có thể bây giờ vợ chồng bạn nghĩ rằng đối với một đứa trẻ thì ra lệnh là cách nhanh nhất để
đạt được mục đích. Việc gì phải phức tạp vấn đề lên thế, đằng nào mà chúng chẳng phải nghe
mình! Nhưng nếu để ý thì các bạn sẽ thấy, nếu hôm nay các bạn cau mặt lại và gắt gỏng con “ăn
nhanh lên” thì sau này con các bạn cũng có một cách nói hệt như vậy.
Các bạn chỉ có thể nhận được lòng tôn trọng của con nếu như các bạn cho cháu đúng điều
này. Để muốn con đi ngủ sớm, người mẹ bảo con vào giường để nghe kể chuyện. Khi cháu háo
hức chờ nghe chuyện thì người bố gắt lên “Nhìn xem bây giờ là mấy giờ rồi, không ngủ sớm đi
còn chuyện với trò gì!” Tôi tin là trong trường hợp này, dù nhắm mắt rồi nhưng cháu bé không
thể ngủ nổi, bởi vì cháu đang rất buồn vì không được người lớn giữ lời hứa.
Người lớn chúng ta thường quên rất nhanh những gì chúng ta hứa với con để cho “xong
chuyện”. Việc hứa hão đối với con trẻ sẽ gieo vào lòng cháu những suy nghĩ tiêu cực, hành
động tiêu cực. Bố mẹ nói dối, con sẽ mất niềm tin, bố mẹ không tốt, con sẽ nghi ngờ về tình yêu
thương, bố mẹ không tôn trọng, con sẽ muốn chống đối lại bằng thái độ bất cần.
CÓ THÊM MỘT ĐỨA CON LÀ BẠN CÓ THÊM MỘT NGƯỜI BẠN, VÀ NGƯỜI BẠN NÀY CŨNG
CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG NHƯ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.
QUY TẮC 63
BIẾT CHẤP NHẬN RỦI RO VÀ GIỮ LO LẮNG CHO RIÊNG MÌNH
Cháu trai tôi luôn được mẹ đưa đi đón về, dù cháu đã học đến lớp 12, cao hơn mẹ một cái
đầu. Khi tôi ngạc nhiên vì sự chăm bẵm quá mức này, chị dâu tôi giải thích: “Nhìn thấy tai nạn
giao thông hàng ngày trên đường, chị không dám cho cháu đi một mình.”
Tôi nhớ rất rõ cảm giác vui mừng của mình khi năm lên lớp 4 được mẹ cho cái xe đạp cũ để
đi đến lớp. Có thể hồi ấy ít tai nạn giao thông hơn bây giờ nhưng như thế không có nghĩa mẹ
không lo lắng cho tôi. Sau này, mẹ tâm sự rằng chỉ khi tôi về đến nhà, mẹ mới hết lo. Nhưng mẹ
không thể hiện sự lo lắng cho tôi biết. “Chỉ cần con đi bên phải, tập trung vào tay lái và nhìn
cẩn thận mỗi khi rẽ hay qua đường là ổn thôi mà!” Những câu nói này khiến tôi vững tâm.
Rủi ro là điều không thể lường trước, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vấn đề là chúng ta phải
học cách phòng tránh và biết cách chấp nhận. Bạn hãy cùng tôi phân tích lại trường hợp của
chị dâu tôi. Thứ nhất, việc chị tự đưa đón con vẫn không loại trừ hết rủi ro về tai nạn giao
thông. Thứ hai, chị không thể đi theo cháu suốt đời, điều này rất nguy hiểm khi cháu không
được rèn luyện khả năng tự đối phó với các tình huống trên đường và khó mà trưởng thành