MỘT ĐỨA TRẺ LÊN BỐN CŨNG CÓ NHỮNG CÔNG VIỆC QUAN TRỌNG CHẲNG KÉM GÌ
NGƯỜI LỚN.
QUY TẮC 65
HÃY ĐỂ CON TỰ XOAY XỞ
Như câu chuyện tôi đã kể trong quy tắc chấp nhận rủi ro, chị dâu tôi chỉ chọn một giải pháp
duy nhất là đưa đón cậu con trai học lớp 12, trong khi đáng ra một đứa trẻ lên 10 cũng có thể
tự đến lớp với phương tiện phù hợp. Kết quả là khi chị dâu tôi đi công tác thì anh chị em trong
nhà phải thay nhau đưa đón cậu lớn.
Tôi và nhiều người khác (phần lớn là con út hoặc con một) gần đến ngày cưới mới lo sốt vó
vì chẳng biết nấu món gì cho ngon cả. Đây là hậu quả của một thời gian dài được mẹ gánh hết
chuyện bếp núc. Mẹ tôi bảo để mẹ làm tý là xong, cho tôi mó tay vào thì có khi cả nhà nhịn vì
cơm khê, canh mặn, thịt cháy. Sợ con mệt, sợ con bị bỏng, sợ con bị đứt tay hay lo con không có
thời gian dành cho việc học…, những nỗi sợ của mẹ đã biến tôi thành một người vợ đoảng
trong chuyện bếp núc. Cực chẳng đã phải “khoe” cái xấu của bản thân, vì tôi thực sự mong
muốn bạn không lặp lại sai lầm của thế hệ đi trước.
Hãy để con tự xoay xở, đó là cách tốt nhất giúp con bạn hoàn thiện dần. Hôm nay cháu chưa
đứng vững được, ngày mai cháu sẽ học cách cân bằng tốt hơn. Đôi khi ra đường, nhiều người
nhìn chằm chằm vào con gái tôi và bảo sao bố mẹ lại mặc cho cháu cái quần tất nóng thế kia.
Đấy là lựa chọn của con tôi. Trong việc ăn mặc, vợ chồng tôi chỉ góp ý, còn quyền quyết định
thuộc về cháu. Chúng tôi cảnh báo cháu: mặc quần tất vào mùa hè sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề:
nóng, mồ hôi chảy, bị mọi người cười. Hoặc là con tôi chấp nhận những trở ngại đó vì cháu
muốn mình đẹp, hoặc là con tôi chỉ mặc một lần rồi rút kinh nghiệm cho lần sau; cả hai khả
năng này đều tốt cả. Con chúng tôi sẽ học cách ra quyết định cho bản thân. Lúc nào thật cần
thiết, cháu sẽ phải tham khảo ý kiến của người lớn, hoặc nhờ người lớn can thiệp.
Nếu vợ chồng bạn để cho con bạn tự xoay xở (vẫn trong tầm kiểm soát của người lớn) thì
không những con các bạn học được nhiều kỹ năng hơn mà cả hai người cũng có thêm quỹ thời
gian cho mình.
SAI SÓT LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ CON BẠN TỰ RÚT KINH NGHIỆM.
QUY TẮC 66
DẠY CON BIẾT SUY NGHĨ
Bạn có thể bỏ qua quy tắc này với ý nghĩ: ôi dào, ai chả biết suy nghĩ. Thực ra, tôi chỉ muốn
bạn tạo cho con thói quen nhìn nhận vấn đề, thay vì để suy nghĩ treo lơ lửng trên ngọn cây.
Nhiều người rất thích mua bộ sách câu hỏi tại sao, bởi vì họ muốn con mình động não theo
hướng tích cực nhất. Khi con gái tôi không được nghe kể chuyện trước khi đi ngủ như thường
lệ, tôi hỏi cháu: “Con có biết tại sao không?” Cháu phụng phịu lắc đầu. Tôi phải giải thích rằng,
tôi buồn không thể kể chuyện được vì cháu không tự xúc cơm ăn. Ngày hôm sau, mọi việc khác
hẳn. Con tôi hăng hái bảo bố cho một bát cơm đầy và tự xúc ăn ngon lành. Cháu biết rằng nếu
tôi vui thì hôm đó cháu sẽ được nghe chuyện.
Mỗi tuổi cần phải được học cách suy nghĩ theo đúng lứa tuổi. Khoảng hai mươi tháng, con
bạn cần trả lời những câu hỏi kiểu như con gà, con cún, con ỉn kêu thế nào. Đến cấp hai, bạn đã
có thể cho cháu tự tính toán giờ giấc học, chơi, làm việc nhà, thậm chí cả kế hoạch chi tiêu của
cháu. Những trẻ lớn cần phải học cách suy nghĩ về tương lai, như sẽ thi khối gì để được học
ngành nào…
Nhiều đứa trẻ sống thụ động theo suy nghĩ của người lớn, lúc bắt buộc phải chọn khối thi thì
chỉ biết nói “tùy bố mẹ”. Thậm chí bố mẹ còn phải can thiệp cả vào chuyện chọn bạn đời. Bạn
đừng ngại chuyện con cái cự nự hay tranh luận lại điều mà bạn muốn. Đó là một biểu hiện của
sự suy nghĩ. Con bạn biết tư duy một cách độc lập, đấy mới là điều quan trọng.